Chăm sóc trẻ mắc các bệnh nhiễm khuẩn
Các Website khác - 06/09/2005
Khi trẻ mắc các bệnh nhiễm khuẩn, bên cạnh việc điều trị bằng thuốc, cần chú ý tới dinh dưỡng cho trẻ. Cho trẻ ăn đủ dinh dưỡng và đúng cách sẽ giúp trẻ tăng sức đề kháng và mau lành bệnh hơn.
Do sức đề kháng của cơ thể kém cùng nhiều yếu tố môi trường khiến trẻ rất dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn và thường gặp là nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính, viêm tai giữa, tiêu chảy... Khi bị nhiễm khuẩn cũng là lúc nhu cầu năng lượng cơ thể tăng cao cả về chất đạm, vitamin và khoáng chất. Khi sốt, đặc biệt là sốt cao, hệ tiêu hóa giảm chức năng hoạt động, giảm tiết dịch tiêu hóa, dịch dạ dày, dịch tụy, mật làm trẻ đắng miệng, chán ăn, giảm co bóp và nhu động ruột khiến trẻ khó tiêu, đầy bụng. Do vậy năng lượng đáp ứng cho cơ thể càng có nguy cơ bị thiếu hụt. Nếu không được bổ sung dinh dưỡng kịp thời, năng lượng dự trữ của cơ thể sẽ bị hao hụt. Nếu sốt kéo dài có thể gây suy mòn cơ thể, bệnh nhiễm khuẩn lâu khỏi hơn.

Trong giai đoạn bị sốt nhiễm khuẩn, trẻ thường lười ăn hay bỏ ăn, nhưng cơ thể trẻ cần năng lượng và một số chất nhiều hơn lúc bình thường. Do vậy trong quá trình chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ, các mẹ lưu ý 3 nguyên tắc: cho trẻ ăn đủ lượng, đủ chất đặc biệt với các thực phẩm giàu năng lượng mà vẫn bảo đảm cung cấp dầu và mỡ trong bữa ăn của trẻ; cho trẻ uống nhiều nước rau, quả chín, orezol; chọn thức ăn mềm dễ tiêu, lựa những thực phẩm trẻ thích ăn hằng ngày, chế biến ngon và bảo đảm vệ sinh. Nếu sau khi đã cố gắng mà trẻ vẫn ăn ít hơn lượng hằng ngày thì cần tăng số lượng bữa ăn cho trẻ. Nếu trẻ đang trong giai đoạn còn bú mẹ cần tăng cường cho bú để bổ sung dinh dưỡng và các vitamin cần thiết. Mỗi lần bú có thể lâu hơn bình thường. Nếu trẻ không ngậm bú được, người mẹ cần vắt sữa vào cốc rồi dùng thìa cho trẻ uống.

Trẻ lớn hơn khi bị sốt do nhiễm khuẩn cũng thường lười ăn, ăn ít. Các bà mẹ có thể lựa chọn thực phẩm giàu đạm như thịt lợn, bò, gà và đặc biệt trứng gà để bổ sung cho bữa ăn hằng ngày của trẻ. Trẻ dưới 1 tuổi nên ăn lòng đỏ trứng gà, trên 1 tuổi thì ăn cả quả. Trứng phải luộc vừa chín, không nên cho trẻ húp sống để tránh nhiễm khuẩn, nhưng nếu luộc quá kỹ sẽ khiến trẻ khó ăn.

Trong bữa ăn cho trẻ bị sốt do nhiễm khuẩn, nên sử dụng thịt gà và có thể chế biến với cháo, súp là loại thức ăn mềm, dễ tiêu giúp trẻ ăn được nhiều hơn. Mỡ gà rất tốt vì nó cung cấp gấp đôi năng lượng so với chất đạm. Trẻ từ 6-7 tháng tuổi chỉ sử dụng một thìa cà-phê dầu mỡ một bữa. Trẻ 9-10 tháng tuổi có thể sử dụng 2 thìa dầu mỡ/bữa. Cá, tôm, cua là thực phẩm giàu đạm, giàu can xi, khoáng chất đồng thời rất dễ tiêu hóa. Chỉ trừ trường hợp trẻ dị ứng với độ tanh gây nên hiện tượng tiêu chảy, còn đa số trẻ nhỏ khi bị sốt do nhiễm khuẩn đều sử dụng được loại thực phẩm này.

Với nhiều nguồn thực phẩm khác nhau, các bà mẹ có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon, bổ, dễ tiêu, kích thích trẻ ăn được nhiều hơn. Nếu gia đình không có điều kiện cho trẻ ăn những thực phẩm trên, có thể sử dụng nguồn thực phẩm giàu đạm như đậu đen, đậu xanh, lạc, đậu tương để nấu cháo hoặc chế biến thành sữa cho trẻ uống hằng ngày. Trong quá trình sốt, vitamin bị hao hụt rất nhiều do vậy cần tăng cường các loại thực phẩm giàu vitamin.

Khi bị sốt, không nên cho trẻ ăn những thực phẩm khó tiêu, ít năng lượng như khoai lang, khoai sọ, miến, ngô. Một số quan niệm khác cho rằng không nên cho trẻ ăn thịt gà vì sợ trẻ ho là hoàn toàn không có cơ sở khoa học. Thực tế thịt gà có lượng đạm cao hơn thịt bò và lợn. Một số bà mẹ cũng không cho trẻ ăn thêm tôm, cua, cá vì sợ trẻ lạnh bụng tiêu chảy, nên chỉ cho trẻ ăn ít, ăn thức ăn lỏng hơn bình thường, ít chất đạm hơn bình thường. Những quan niệm sai lầm này làm cho cơ thể trẻ không đủ năng lượng để cung cấp cho chuyển hóa cơ bản cũng như khả năng chống lại bệnh, khiến trẻ càng mệt hơn, lâu lành bệnh hơn.

Bên cạnh những triệu chứng lâm sàng của các cơ quan bị tấn công, đường ruột của trẻ cũng hay bị rối loạn do ảnh hưởng của vi khuẩn, virus đó. Trường hợp trẻ phải dùng kháng sinh dài ngày để trị bệnh cũng khiến cho hệ vi khuẩn có ích cho đường ruột bị rối loạn, làm giảm khả năng tiêu hóa và hấp thụ của trẻ. Trường hợp này có thể cho trẻ ăn một số loại quả như đu đủ, dứa, sữa chua... giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột, tránh hiện tượng rối loạn tiêu hóa. Sau khi khỏi bệnh, trẻ thường có hiện tượng ăn trả bữa, vì vậy các bà mẹ nên chú trọng đến những thức ăn giàu đạm và năng lượng cho trẻ. Có thể tăng nồng độ đặc hơn bình thường, tăng số lượng bữa trong ngày cho trẻ, tối thiểu một bữa/ngày trong 1 - 2 tuần theo tình trạng dinh dưỡng của trẻ.

Theo Đại đoàn kết