Ông Michael Leavitt. |
"Các dấu hiệu cảnh báo về dịch cúm đáng lo ngại đến mức tất cả các nước đều không dám thờ ơ với nó. Nhưng hiện chưa có quốc gia nào chuẩn bị đủ để đối phó với đại dịch" - Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ con người Mỹ Michael Leavitt phát biểu với báo giới sáng nay khi bắt đầu chuyến thăm Việt Nam.
- Ông đánh giá như thế nào về nguy cơ dịch cúm H5N1 hiện nay?
- Thế giới giờ đây đã trở thành nơi nguy hiểm về mặt sinh học. H5N1 đã hiện diện ở nhiều quốc gia, nếu biến chủng và dễ dàng lây từ người sang người thì sẽ có thể lấy đi hàng triệu nhân mạng và ảnh hưởng nặng nề đến hàng tỷ người khác. Chúng ta chưa biết chắc là trong thời gian tới, đại dịch có xảy ra hay không nhưng các dấu hiệu cảnh báo thực sự rất đáng lo ngại.
- Theo ông, để đối phó với đại dịch, điều gì là quan trọng nhất?
- Phải thành lập ngay một mạng giám sát cúm toàn cầu. Tuần trước, đại diện 70 nước, trong đó có Việt Nam, đã họp ở Mỹ để bàn bạc việc thành lập mạng lưới này. Ngoài việc dự trữ thuốc men, nâng cấp thiết bị, các quốc gia cần lập đội phản ứng nhanh và hệ thống giám sát đến từng thôn xóm, khi có dịch thì thông báo ngay và thông tin này cần được công khai. Tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chia sẻ thông tin nhanh chóng và chính xác giữa các nước trong việc phản ứng kịp thời với đại dịch. Dĩ nhiên, việc phải công khai thông tin về dịch bệnh có thể gây áp lực cho nhà chức trách, nhưng điều đó là cần thiết đối với một dịch bệnh nguy hiểm cần phản ứng rất nhanh như cúm gia cầm. Theo tôi, cho đến nay, chưa một quốc gia nào chuẩn bị đủ cho việc chống lại đại dịch cúm, vì vậy chúng ta còn có nhiều việc phải làm. Mỹ sẽ hỗ trợ các nước Đông Nam Á trong công tác này.
- Tại sao Mỹ quyết định hỗ trợ các nước Đông Nam Á phòng chống cúm gia cầm khi dịch bệnh này chưa xuất hiện ở Mỹ?
- Dù dịch bùng phát ở một nơi xa xôi nào trên thế giới thì những nước còn lại cũng không thể thờ ơ. Hãy hình dung thế giới như một khu rừng lớn, chỉ cần một đốm lửa bùng lên ở đâu đó thì cũng có thể đe dọa cả khu rừng. Ngọn lửa đó có thể dễ dàng dập tắt ngay khi nó bùng phát, nhưng nếu để cháy to thì khó bề khống chế. Với dịch cúm cũng vậy, việc phát hiện và dập ngay ổ dịch đầu tiên sẽ cứu được phần còn lại của thế giới khỏi sự tàn phá. Vì vậy, tổng thống Mỹ đã phát động việc thiết lập các đối tác để phòng chống đại dịch cúm. Trong chuyến thăm Việt Nam lần này, chúng tôi muốn quan sát tình hình, học hỏi kinh nghiệm phòng chống cúm ở Việt Nam và hỗ trợ các bạn trong công tác này.
- Cụ thể, Mỹ sẽ giúp Việt Nam như thế nào?
- Hiện chính phủ Mỹ đã quyết định dành 25 triệu USD để giúp các nước Đông Nam Á trong phòng chống cúm. Riêng với Việt Nam, Bộ Y tế và Dịch cụ con người Mỹ cũng hỗ trợ 2,4 triệu USD; Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ giúp 3,4 triệu USD nữa. Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng sẽ có khoản trợ giúp riêng. Số tiền này sẽ được dùng để mua sắm trang thiết bị, nâng cấp phòng thí nghiệm, nâng cao năng lực cán bộ y tế và truyền thông cho cộng đồng, thiết lập các đội phản ứng nhanh và mạng lưới giám sát dịch bệnh từ cơ sở. Ngoài ra, trong buổi làm việc với Bộ Y tế Việt Nam sáng nay, chúng tôi cũng đã đề nghị được giúp đỡ Việt Nam trong việc thử nghiệm văcxin cúm A trên người mà các bạn đang nghiên cứu.
Thanh Nhàn thực hiện
▪ Thuốc xịt ngừa thai (10/07/2005)
▪ Cơn khóc co thắt ruột ở trẻ sơ sinh (09/07/2005)
▪ Ăn để tránh stress (09/07/2005)
▪ Kháng sinh có chữa được viêm xoang? (09/07/2005)
▪ Cây trúc đào (09/07/2005)
▪ Ho và khó thở (10/07/2005)
▪ Những yếu tố ảnh hưởng đến tinh trùng (10/07/2005)
▪ TP HCM chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm (09/07/2005)
▪ Chứng gầy bệnh lý (09/07/2005)
▪ Một số bệnh lý đặc thù của nam giới (09/07/2005)