![]() |
Thuốc Tamiflu. Ảnh: AFP |
Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn khẳng định, H5N1 muốn đề kháng với Tamiflu phải có thời gian đáng kể tiếp cận với thuốc, trong khi biệt dược này được dùng ở Việt Nam chưa lâu. Tuy nhiên, ngay cả nhà sản xuất Roche cũng đã tính đến chuyện tăng liều để đảm bảo hiệu quả của nó.
Trao đổi với VnExpress về thông tin có hiện tượng kháng thuốc ở một số bệnh nhân cúm A Việt Nam, ông Huấn cho biết chưa nhận được báo cáo chính thức về việc này. Tuy nhiên, theo ông, hiện tượng kháng thuốc Tamiflu không thể kết luận vội vàng. Để khẳng định điều đó, phải có một nghiên cứu tỉ mỉ trên nhiều bệnh nhân, xem xét việc dùng thuốc có đúng liều, đúng thời điểm và thời gian hay không. Ở những bệnh nhân điều trị không khỏi, cần xác định đó là do Tamiflu hay nguyên nhân nào khác. Về nguyên tắc, một virus để kháng lại một thuốc cần có thời gian đáng kể tiếp cận với thuốc đó, trong khi ở Việt Nam, chỉ một số ít bệnh nhân cúm A được dùng Tamiflu. Với những trường hợp không khỏi, cũng chưa thể khẳng định do nguyên nhân nào.
Ông Huấn cũng khẳng định Việt Nam vẫn tiếp tục các biện pháp nhằm tích trữ đủ Tamiflu để dùng trong đại dịch vì cho đến nay, đây vẫn là thuốc mà Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo là có hiệu quả ức chế cao nhất với H5N1. Và nếu quả thật virus này đã đề kháng với Tamiflu thì đây cũng không phải là điều quá khủng khiếp vì nó không phải là thuốc điều trị cúm đặc hiệu, chỉ có tác dụng khi dùng sớm. Việc dùng Tamiflu chỉ là một phần trong phác đồ điều trị tổng hợp gồm chống suy hô hấp, tăng cường thể trạng... Còn đối với việc phòng chống đại dịch, điều quan trọng nhất là giám sát để phát hiện ngay ca bệnh đầu tiên để bao vây, dập tắt nó.
Trong khi đó, theo AFP, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Viện Y tế quốc gia Mỹ đang khởi động một thử nghiệm lâm sàng về hiệu quả của Tamiflu liều cao trước khi có báo cáo về dấu hiệu kháng thuốc của H5N1. Còn tập đoàn dược Thuỵ Sĩ Roche cho rằng, để đảm bảo hiệu quả của Tamiflu, cần tăng liều, thậm chí cả liệu trình, trong điều trị cúm gà. Roche không loại trừ khả năng kết hợp Tamiflu với các chất chống virus khác để trị H5N1. Hãng còn khẳng định sử dụng Tamiflu liều cao là an toàn thông qua kết quả nghiên cứu.
Roche đã sẵn sàng tìm kiếm "giải pháp kết hợp tiềm năng" giữa Tamiflu với "các liệu pháp hỗ trợ" trong điều trị cúm gà, đại diện của hãng Martina Rupp khẳng định.
Lúc này, WHO và khoảng 50 quốc gia đang chạy đua tích trữ Tamiflu và các thuốc chống virus khác. "Liều lượng và liệu trình quy chuẩn của Tamiflu hiện nay vẫn được xem là yêu cầu tối thiểu để đối phó với đại dịch". Theo đại bộ phận dữ liệu từ quá trình giám sát trên người dùng Tamiflu trên khắp thế giới của Roche, thuốc làm giảm nhanh chóng lượng H5N1 trong cơ thể và tỷ lệ kháng Tamiflu vẫn rất hiếm. Tuy nhiên, "một khi chủng gây đại dịch xuất hiện, cần kiểm tra tính nhạy cảm của nó với Tamiflu để quyết định liều và liệu trình tối ưu hơn", Roche nhận định.
Mặc dù nhóm ức chế giống như Tamiflu là "hiệu quả", song Roche cũng thừa nhận chưa "hiểu đầy đủ về các biến chứng lâm sàng và dịch tễ về tình trạng kháng thuốc của virus gây đại dịch". Rupp nhấn mạnh rằng chủng H5N1 đặc biệt nguy hiểm, có tới 50% tỷ lệ gây tử vong và sức lây lan mạnh.
Thanh Nhàn - Mỹ Linh
▪ Thuốc xịt ngừa thai (10/07/2005)
▪ Cơn khóc co thắt ruột ở trẻ sơ sinh (09/07/2005)
▪ Ăn để tránh stress (09/07/2005)
▪ Kháng sinh có chữa được viêm xoang? (09/07/2005)
▪ Cây trúc đào (09/07/2005)
▪ Ho và khó thở (10/07/2005)
▪ Những yếu tố ảnh hưởng đến tinh trùng (10/07/2005)
▪ TP HCM chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm (09/07/2005)
▪ Chứng gầy bệnh lý (09/07/2005)
▪ Một số bệnh lý đặc thù của nam giới (09/07/2005)