(Sức Khỏe & Đời Sống) |
Holman (Anh) không để ý đến lớp vảy mỏng trên chân mình nhưng con chó của anh lại luôn dùng mõm húc mạnh đó, ngay cả khi ông chủ mặc quần dài. Holman đành đi khám và hết hồn khi biết vùng da đó bị ung thư.
Lớp vảy xuất hiện trên chân Holman từ lâu, tuy anh không hề để tâm đến nhưng con Parker lại không lơ là như chủ nó. Nó thường xuyên húc mạnh vào lớp vảy. Hành động của con vật được lặp đi lặp lại nhiều ngày khiến Holman cảm thấy hoang mang. Anh đến khám ở một bệnh viện da liễu và qua khảo sát, các bác sĩ tại đây xác định mảng da có vảy của anh bị… ung thư. Việc phát hiện sớm căn bệnh đã giúp Holman tránh được những hậu quả đáng tiếc.
Ý tưởng về việc loài chó có thể “ngửi” bệnh ung thư đã được hai chuyên gia về da liễu ở Anh đưa ra vào năm 1989, sau khi một phụ nữ đến gặp họ nhờ phá bỏ một nốt ruồi thường xuyên bị con chó nhà bà dùng mũi húc vào. Cuối cùng, họ phát hiện nốt ruồi đó là một khối u hắc tố ác tính và kịp thời lấy ra khỏi cơ thể bệnh nhân. Năm 2001, hai bác sĩ người Anh khảo sát trường hợp tương tự ở một người đàn ông có vết chàm ở chân suốt 18 năm. Con chó Labrador của người này cũng ngửi liên tục vào vết chàm trên, cho đến khi các nhà khoa học phát hiện đó là một khối u và lấy ra khỏi cơ thể người bệnh.
Không chỉ "ngửi" ung thư, các chú cẩu còn đóng góp nhiều câu chuyện liên quan đến việc bảo vệ sức khỏe cho con người, chẳng hạn như chó làm y tá, chó cứu người gặp nạn...
Y tá 4 chân
Những “y tá” đặc biệt này đã xuất hiện trong hệ thống các bệnh viện của Mỹ từ những năm 1980 và tới nay, chúng đã là một thành phần quan trọng trong liệu pháp điều trị hiện đại ở rất nhiều trung tâm y tế lớn. Hoạt động trợ giúp của động vật đang được ứng dụng trong hơn 600 bệnh viện lớn ở Mỹ.
Chó giúp người tàn tật
“Jody, ai ây”. Con chó vẫn đứng yên, ngơ ngác nhìn chủ như cố gắng tìm hiểu mệnh lệnh. Thế là Romain gồng mình, phát âm thật rõ ràng: “Lại đây, Jody!”. Lần này thành công rồi! Con chó tiến lại bên cậu chủ đang ngồi trên xe lăn với vẻ mặt đầy tự hào. Với Romain, mỗi tiếng phát âm rõ ràng là một chiến thắng nhỏ trước bệnh tật. Không có gì khó đối với Romain hơn chuyện điều khiển cơ bắp trên cơ thể. Cậu bị khuyết tật vận động não bộ, không thể đi và nói chuyện. Con chó không chỉ giúp cậu tập nói mà còn có thể nhấc và cúp điện thoại, tắt và mở đèn. Trong cửa hiệu, nó biết lấy món hàng trên giá, ngậm ví tiền đưa cho người thu ngân và lấy về cho chủ… Nó hiểu và thực hiện được 52 lệnh khác nhau!.
Chó cứu người
Vào ngày xảy ra vụ khủng bố bằng máy bay vào tòa tháp đôi tại New York ngày 11/9/2001, con chó Roselle thuộc giống Lanrador đã kịp thời “lôi” chủ nhân của nó là Michael Hingson, một người bị mù bẩm sinh, từ tầng 78 của tòa tháp xuống đất an toàn trước khi tòa nhà sụp đổ. Đặt chủ nhân tại một bến xe điện ngầm gần đó, Roselle cùng bạn thân của Michael là David Franck còn cố gắng cứu một phụ nữ bị thương ra khỏi đống đổ nát. Sau đó, Roselle quay lại tìm chủ rồi đưa anh ta về nhà an toàn.
Còn chú chó Max thuộc giống chăn cừu của Đức bỗng nhiên bị kích động dữ dội khi đang ngồi trên xe cùng gia đình Derrane từ Pháp đến du lịch tại vùng Brighton của Anh vào mùa hè năm 2003. Lấy làm lạ vì hành vi khác thường của Max, anh Paul Derrane dừng xe lại để kiểm tra thì phát hiện cô con gái nhỏ mới 18 tháng tuổi đặt ở ghế sau đang bị nghẹt thở, mặt đã tím tái. Sau khi được làm hô hấp nhân tạo rồi vào cấp cứu tại một bệnh viện gần đó, bé gái Filere đã được cứu sống.
Chó dự báo cơn động kinh ở người
Jihn Carnon là chủ nhân của 2 chú chó lai: Jake và Tibear. Đối với anh, chúng vừa là lính bảo vệ vừa là những bộ máy dự báo y học hết sức cần thiết. Cứ mỗi khi con Tibear sủa tới tấp hay con Jake nhìn anh bằng cặp mắt đầy lo lắng, Carnon hiểu ngay là chỉ trong vòng 5-10 phút sau, một cơn động kinh sẽ đến với anh. Anh bình tĩnh tìm một chỗ an toàn nằm chờ…
Trong một nghiên cứu của Anh, 37/61 bệnh nhân động kinh có nuôi chó tham gia cho biết, chó của họ có khả năng phản ứng lại cơn động kinh của chủ. Trong số đó, có 21 con dự báo được cơn động kinh bằng cách sủa, rên rỉ và đến nằm cạnh chủ. Đa số những con vật khôn ngoan này canh giữ chủ chúng cho đến khi họ tỉnh lại sau. Một vài loài chó báo động cho chủ chúng chỉ vài giây trước khi cơn động kinh diễn ra, một số khác khả năng dự báo trước đó nhiều phút, thậm chí nhiều tiếng đồng hồ.
Đài tưởng niệm về loài cẩu
Khắp thế giới có nhiều đài kỷ niệm các “anh hùng Chó”. Ở Paris có đài kỷ niệm con chó đã cứu sống 42 người khỏi bị chết vì tuyết phủ. Ở Berlin có đài kỷ niệm con chó trung thành, suốt 14 năm liền chiều nào cũng ra ga tàu hỏa để đón người chủ đã bị chết trong chiến tranh. Ở thành phố Ediburg của Scotland có đài kỷ niệm con chó đã sống 5 năm bên mộ chủ để rồi cũng chết ở đó. Ở thành phố Matxcơva có đài kỷ niệm con chó đã cứu những người suýt bị chết đuối. Ở Leningrat có đài kỷ niệm con chó đã hiến thân cho khoa học thực nghiệm.
(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)
▪ Thuốc xịt ngừa thai (10/07/2005)
▪ Cơn khóc co thắt ruột ở trẻ sơ sinh (09/07/2005)
▪ Ăn để tránh stress (09/07/2005)
▪ Kháng sinh có chữa được viêm xoang? (09/07/2005)
▪ Cây trúc đào (09/07/2005)
▪ Ho và khó thở (10/07/2005)
▪ Những yếu tố ảnh hưởng đến tinh trùng (10/07/2005)
▪ TP HCM chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm (09/07/2005)
▪ Chứng gầy bệnh lý (09/07/2005)
▪ Một số bệnh lý đặc thù của nam giới (09/07/2005)