Có nên hạn chế ăn khoai tây?
Các Website khác - 22/10/2005

"Con trai tôi rất thích ăn khoai tây rán, có thể ăn thay cơm. Tôi sợ cháu ăn như thế không đủ chất, có nên hạn chế cháu không?".

Trả lời:

Khoai tây là loại thực phẩm giàu năng lượng và vitamin, lại có nhiều chất dinh dưỡng và ưu điểm mà ngày nay người ta đã khẳng định.

Khoai tây không làm phát phì nếu luộc chín khi ăn (chỉ có 76 Kcal/100 g) nhưng nếu nghiền và cho thêm bơ sữa thì 100 g cung cấp 96 Kcal. Nếu rán thì cho 274 Kcal/100 g. Khoai tây chiên giòn đóng gói phá kỷ lục về cung cấp calo, gói 100 g sẽ cung cấp đến 566 Kcal. Vậy các cô gái sợ béo chớ nên “vui miệng” mà ăn nhiều khoai tây rán đóng gói.

Khoai tây đem lại năng lượng vì chất đường hấp thu chậm có trong khoai tây (20 g trong 100 g khoai tây) đem lại cảm giác no và cung cấp năng lượng trong một thời gian dài. Để tận dụng loại đường này, nên hấp khoai hoặc luộc cả vỏ. Tốt nhất là phối hợp với một chút xíu bơ và một lát giăm bông để dễ tiêu hóa và dễ hấp thụ chất đường.

Khoai tây có tác dụng nhuận tràng vì là rau có chất bột, khoai càng tươi thì càng có nhiều chất xơ, dễ tiêu hóa và không gây kích thích như chất xơ trong cám, do đó chống được táo bón và tiêu chảy.

Khoai tây cũng có nhiều vitamin C (45 mg cho 100 g khoai tây đầu mùa và 13 mg cho khoai tây bảo quản). Chỉ với 200 g khoai tây là đủ nhu cầu vitamin C hằng ngày. Nhóm vitamin B (B1, B3 và B6) có tác dụng chủ yếu đối với chuyển hóa nói chung cũng có ở khoai tây. Để tận dụng tối đa những vitamin này, nên hấp khoai hơn là luộc.

Khoai tây còn có nhiều vi chất, bù đắp những thiếu hụt về magiê thường thấy ở phụ nữ ăn kiêng. Chất kali trong khoai tây giúp cho các vận động viên có sức mạnh cơ bắp. Ngoài ra, nó còn có chất sắt, khi phối hợp với vitamin C giúp chống lại hiện tượng thiếu sắt khi hành kinh. Khoai tây ăn với chanh muối và rau bạc hà là món ăn người Âu châu rất ưa thích.

Tuy nhiên, chú ý không ăn khoai tây đã mọc mầm, vỏ chuyển thành màu hơi xanh do có chất solanine. Solanine bình thường vẫn có trong một số rau dưới dạng vết (như có trong cà chua, cà tím), không có hại. Nó chỉ trở nên độc khi bị hoạt hóa bởi điều kiện bảo quản không tốt. Trong trường hợp đó, phải vất bỏ vì nếu ăn, bạn sẽ có nguy cơ thể hiện các triệu chứng nhiễm độc thức ăn như nhức đầu, nôn ói, đau bụng, tiêu chảy, sốt; sau đó có thể bộc lộ các dấu hiệu nghiêm trọng hơn: chóng mặt, run chân tay, ảo giác…

BS Đào Xuân Dũng, Sức Khỏe & Đời Sống