Giữa ngày Tết, nhiều bà mẹ hốt hoảng bế con nhỏ đến bệnh viện khám vì bé khóc ngằn ngặt không rõ nguyên nhân. Hỏi han xem xét kỹ, bác sĩ phát hiện những trẻ này bị đói quá mức.
"Trẻ đói lả trong ngày Tết, nói nghe có vẻ khó tin nhưng chuyện này rất thường gặp" - bác sĩ Nguyễn Văn Lộc, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết. Ngày Tết, các bà mẹ quá bận rộn, ít có thời gian chăm chút con cái, thỉnh thoảng cho bú vội vàng một chút, thấy trẻ ngừng thì mau chóng đi làm việc khác chứ không ép nữa. Trẻ ăn dặm nếu từ chối ăn bột thì mẹ cũng dễ tặc lưỡi bỏ qua để làm việc, tự nhủ sẽ cho ăn sữa sau, rồi cũng quên đi. Hậu quả là trẻ bị đói, giảm đường huyết, rất nguy hiểm. Nhiều bé bị quá bữa không ăn được, khi mẹ cho bú cũng vùng ra để khóc nên người lớn không nghĩ bé đói, chỉ nghĩ bé hờn hoặc khó chịu gì đó.
Những trẻ lớn hơn cũng có thể bị đói do mải chơi, ăn uống thất thường không theo giờ giấc, hoặc thỉnh thoảng ăn vặt cái kẹo, miếng mứt nên luôn thấy bụng "ngang ngang". Mẹ thì bận, lại chủ quan là "nhà đầy thức ăn sẵn, nó lớn rồi muốn ăn gì cũng tự lấy được" nên không để ý nhiều. Hậu quả là trẻ bị đói lả, thậm chí run cả người, muốn ăn cũng không ăn được.
Do chuyện trẻ bị đói rất phổ biến nên vào dịp Tết, khi thấy các bà mẹ cuống quýt bế trẻ đến, sau khi đã loại trừ các nguyên nhân bệnh tật, các bác sĩ dễ dàng biết được lý do. Cách điều trị rất đơn giản, chỉ cần vỗ về cho trẻ bình tĩnh lại rồi cho bú từ từ; trẻ sẽ nhanh chóng bình phục. Với trẻ lớn, khi đói lả không đủ sức ăn cơm, có thể cho uống sữa hoặc nước đường gluco, rồi ăn cháo, mỗi lần một ít; mệt thì ngừng, một lát hồi sức lại ăn với lượng tăng dần. Trẻ sẽ nhanh bình phục.
"Không chỉ đói lả mà chứng bội thực cũng dễ xảy ra cho trẻ trong dịp Tết"- bác sĩ Lộc khẳng định. Có quá nhiều món ngon, trẻ ham ăn và nhiều bà bố mẹ không nỡ ngăn cản; phản xạ no-đói của trẻ cũng kém nhạy so với người lớn nên có thể ăn quá no.
Để đề phòng những trường hợp trên, dù bận đến mấy, các bà mẹ vẫn phải cố gắng lưu ý đến bữa ăn cho trẻ. Dù là ngày Tết vẫn nên duy trì giờ giấc bữa ăn, ép trẻ dù ăn ít hay nhiều cũng không được bỏ bữa. Nếu trẻ đi chơi lâu với bạn, phải cho ăn rồi mới được đi.
Những tai nạn khác trong ngày Tết
Không chỉ có chuyện no đói, trong dịp Tết, nguy cơ gặp tai nạn của trẻ tăng cao không chỉ ngoài đường mà cả trong nhà. Chẳng hạn, những vật trang trí bằng điện như đèn nhấp nháy có thể hấp dẫn trẻ đến nghịch, chơi, tò mò tìm hiểu và nếu không cẩn thận sẽ bị điện giật. Những chiếc đèn nháy nhỏ rơi ra có thể bị trẻ nhặt lấy cho vào miệng nhai, gây rách môi, hóc.
Tập quán lì xì cũng có thể gây tai hoạ. Nhiều người thích mừng tiền xu cho trẻ vì nó xinh xắn, trông như một đồ chơi, lại không quá tốn kém. Trong khi chơi, trẻ có thể cho đồng tiền vào miệng, dễ gây hóc. Các bệnh viện đã phải tiếp nhận nhiều ca cấp cứu vì nguyên nhân này. Ngoài tiền xu, trẻ cũng có thể bị hóc do tò mò nghịch những cái găm bánh chưng làm bằng tre. Khi bóc bánh, nếu mẹ không cẩn thận, bé sẽ lấy nghịch và hậu quả có thể là rách thực quản, thủng ruột...
Ngoài ra, trẻ còn có thể bị bỏng, tiêu chảy, cảm cúm, ngã chấn thương... trong ngày Tết. Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo, dù bận đến mấy, các bậc cha mẹ cũng phải luôn để mắt đến con mình.
Hải Hà
▪ Thuốc xịt ngừa thai (10/07/2005)
▪ Cơn khóc co thắt ruột ở trẻ sơ sinh (09/07/2005)
▪ Ăn để tránh stress (09/07/2005)
▪ Kháng sinh có chữa được viêm xoang? (09/07/2005)
▪ Cây trúc đào (09/07/2005)
▪ Ho và khó thở (10/07/2005)
▪ Những yếu tố ảnh hưởng đến tinh trùng (10/07/2005)
▪ TP HCM chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm (09/07/2005)
▪ Chứng gầy bệnh lý (09/07/2005)
▪ Một số bệnh lý đặc thù của nam giới (09/07/2005)