Hiện nay, bữa ăn của người dân đã từng bước được cải thiện, tỷ lệ trẻ em dưới năm tuổi suy dinh dưỡng đã giảm đáng kể, còn 26,6% (năm 2004). Việt Nam không còn nằm trong danh sách 25 nước có tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng cao nhất thế giới và cũng không phải là nước có tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng cao nhất khu vực như những năm 80 của thế kỷ 20. Tuy nhiên, suy dinh dưỡng thể thiếu cân, còi cọc, gầy còm vẫn còn ở mức cao. Bên cạnh đó, tại các thành phố lớn, số người thừa cân, béo phì đang gia tăng và là một trong những vấn đề sức khỏe cộng đồng.
Để đạt mục tiêu của chiến lược quốc gia dinh dưỡng 2001 - 2010, chúng ta từng bước giảm suy dinh dưỡng đồng thời khống chế thừa cân, béo phì. Làm được điều đó, cần có sự tham gia tích cực của các bộ, ngành và cả cộng đồng trong công tác bảo đảm an ninh thực phẩm và dinh dưỡng gia đình, nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe cho toàn dân. Mỗi gia đình chủ động thực hiện đa dạng hóa bữa ăn và sử dụng thực phẩm sẵn có ở địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động liên ngành trong việc tuyên truyền về văn hóa trong ăn uống gắn liền với dinh dưỡng hợp lý. Áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào phát triển hệ sinh thái VAC để tăng thu nhập, tạo nguồn thực phẩm dồi dào nhằm cải thiện đời sống và phòng, chống suy dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em. Bảo đảm an ninh thực phẩm cho những vùng khó khăn, những vùng gặp thiên tai (bão, lụt, hạn hán...).
Chính những người nội trợ gia đình cần biết đa dạng hóa bữa ăn, bằng cách chế biến những món ăn ngon truyền thống, phối hợp nhiều loại thực phẩm để bảo đảm một bữa ăn cân đối, hợp lý. Thường xuyên thay đổi món để hấp dẫn người ăn, tăng cảm giác ngon miệng.
Theo các nhà khoa học dinh dưỡng, người Việt Nam, hiện nay, mỗi ngày cần ăn khoảng 15 loại thực phẩm từ bốn nhóm: nhóm lương thực (gồm: gạo, ngô, khoai, sắn, mì...) là nguồn cung cấp năng lượng chủ yếu trong bữa ăn; nhóm giàu chất đạm (có nguồn gốc động vật, thực vật: thịt, cá, trứng, sữa, đậu, đỗ...); nhóm giàu chất béo: mỡ, bơ, dầu ăn và các loại hạt có dầu như vừng, lạc; nhóm rau, quả cung cấp vitamin khoáng chất và chất xơ. Trong bữa ăn hằng ngày, nên chế biến sao cho các bữa ăn càng phối hợp nhiều loại thực phẩm càng tốt.
Việt Nam hiện vẫn là đất nước nông nghiệp, cho nên các gia đình, nhất là những gia đình ở nông thôn có điều kiện tạo nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng dựa vào sự phát triển hệ sinh thái vườn - ao - chuồng (VAC). Mỗi gia đình ở nông thôn nên có vườn rau, ao cá, chăn nuôi gia cầm để tạo nguồn thực phẩm đa dạng. VAC cung cấp rau, quả tươi, cá tươi tại chỗ cho bữa ăn gia đình, được bảo đảm an toàn. Rau xanh, quả chín ở nước ta rất đa dạng, phong phú và có quanh năm, mùa nào thức nấy. Các loại rau, đậu, quả, củ, như: rau muống, cải, rau ngót, bầu, bí, cà-rốt, xu-hào... là nguồn cung cấp vitamin, nhất là vitamin C, caroten, khi vào cơ thể được chuyển hóa thành vitamin A. Các loại rau gia vị (thơm, mùi, húng, ngổ, tía tô, kinh giới, mơ lông, xương xông...) cũng rất giàu vitamin, khoáng chất, kháng sinh thực vật và là hương liệu kích thích ăn ngon miệng, các gia đình nên trồng nhiều rau gia vị để ăn sống và nên trồng sạch, không tưới, bón bằng phân tươi.
|