Đại dịch cúm gia cầm đang rất gần
Các Website khác - 19/10/2005
Cán bộ thú y huyện Đình Lập, Lạng Sơn
tiêm phòng dịch cúm cho gia cầm.
Dịch cúm gia cầm đang phát triển ở rất nhiều nước trên thế giới và có diễn biến phức tạp tại Việt Nam. Tiến sĩ Bùi Quang Anh, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết một số thông tin quanh việc phòng chống dịch tại nước ta.
Hỏi: Thưa ông, chúng ta đang bước vào mùa dịch cúm gia cầm thứ ba. Vậy virus cúm năm nay có biến đổi gì so với những năm trước?

Ông Bùi Quang Anh: Rất may là hiện virus cúm chưa có biến đổi gì đáng kể so với năm 2004. Hiện nay cơ chế lây bệnh từ gia cầm sang người chưa được làm sáng tỏ nhưng rõ ràng có sự lây lan.

Hỏi: Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra sáu mức độ của dịch cúm. Hiện dịch cúm ở nước ta đang ở mức độ nào?

Ông Bùi Quang Anh: Trong sáu mức độ mà quốc tế đưa ra thì Việt Nam ở mức độ thứ 3, tức là đã có dịch cúm ở gia cầm và đã có cúm A (H5N1) ở người. Mức độ 4 tức là đã có người lây sang người, bắt đầu nguy hiểm. Còn ở mức độ thứ 6 thì đại dịch đã xảy ra, trên diện rộng, có thể là cả nước, hậu quả không thể lường hết. Chúng ta đang cận kề với đại dịch.

Ngày 17-10, Chính phủ công bố kế hoạch khẩn cấp là rất kịp thời theo yêu cầu của quốc tế, cũng như trước tình hình trong nước. Kế hoạch này được lập dựa trên khuyến cáo của WHO và tham khảo kế hoạch của các nước khác. Mục tiêu đưa ra là bằng mọi giá phải ngăn chặn đại dịch. Ta đã áp dụng tất cả các biện pháp, trong đó tiêm phòng là biện pháp cuối cùng. Để đề phòng dịch bùng phát đối với người, chúng ta phải tổ chức bao vây, chữa trị, theo kinh nghiệm phòng, chống dịch SARS. Theo kế hoạch hành động thì Bộ Y tế sẽ dành ra các khu riêng ở các bệnh viện để chuyên điều trị bệnh nhân cúm, nhằm cách ly sớm, chữa trị sớm, không để lây lan ra cộng đồng.

Về tài chính, Chính phủ đã có kế hoạch hành động chi tiết, dành tổng cộng gần 7.000 tỷ đồng để chống dịch, trước mắt sẽ chi 500 tỷ đồng: Theo kế hoạch, số tiền trên sẽ huy động từ nhiều nguồn, trong đó có cả kêu gọi sự trợ giúp của quốc tế.

Hỏi: Ta đang gặp những khó khăn gì trong phòng, chống dịch, thưa ông?

Ông Bùi Quang Anh: Thách thức hàng đầu hiện nay là sự hiểu biết về bệnh cúm, đặc biệt cúm A (H5N1) còn hạn chế. Hiện nay, chưa có vaccine phòng bệnh cho người, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên công tác phòng, chống dịch cúm trên người gặp nhiều khó khăn.

Khó khăn thứ hai là sự chủ quan của một bộ phận xã hội. Một số nơi chưa có biện pháp quyết liệt ngăn chặn dịch cúm ở địa phương mình, phó mặc cho ngành thú y, vẫn còn tư tưởng: "Chắc là nói thế thôi chừ chẳng có gì ghê gớm". Nhiều người dân vẫn tiếp xúc thoải mái với gia cầm mà không có biện pháp phòng hộ nào.

Thứ ba là, các cơ sở y tế còn thiếu phương tiện để chẩn đoán, tiếp nhận, cách ly.

Thứ tư là phần lớn chăn nuôi gia cầm ở Việt Nam có quy mô nhỏ lẻ theo hộ gia đình, thả rông, địa bàn rộng khó quản lý. Nhận thức của người dân về biện pháp phòng, chống dịch chưa cao, điều kiện kinh tế gia đình khó khăn dẫn tới không muốn tiêu huỷ gia cầm mắc bệnh.

Hỏi: Thưa ông, việc tiêm vaccine đã được thực hiện đến đâu?

Ông Bùi Quang Anh: Đến nay đã có 37 tỉnh, thành phố tiến hành tiêm vaccine phòng dịch cúm gia cầm. Tổng số vắc-xin đã tiêm là 56.445.698 liều, trong đó gà hơn 35 triệu liều, vịt hơn 19 triệu liều và 58 nghìn liều cho các loại gia cầm, thuỷ cầm khác. Tính đến ngày 7-10-2005, Công ty Thuốc thú y Trung ương (Navetco) đã nhập đủ 120 triệu liều vaccine trong đó 40 triệu liều H5N1 và 80 triệu liều H5N2. Công ty đã phân phối khoảng 93 triệu liều.

Hỏi: Tại sao lại có sự chậm trễ trong việc chuyển vaccine cho các địa phương thời gian qua, thưa ông?

Ông Bùi Quang Anh: Chúng ta chậm 15 ngày so với kế hoạch do chưa chủ động được nguồn vaccine. Muốn mua được vaccine thì phải có một loạt vấn đề kèm theo như phê duyệt dự án, chỉ định thầu lập ra giá... Chúng ta phải nhập khẩu vaccine của Trung Quốc nên mất thời gian vận chuyển. Một khó khăn nữa là Trung Quốc cũng đang tiêm phòng nên rất cần vaccine. Công ty Navetco đã ký hợp đồng với Công ty phát triển công nghệ sinh học Habin (Trung Quốc) về việc nhập khẩu tiếp 260 triệu liều vaccine cúm gia cầm.

Việc phân phối vaccine theo nguyên tắc ưu tiên những nơi trọng điểm. Theo kế hoạch, ngày 20-10 tới vaccine sẽ được tiếp tục chuyển cho các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long là vùng bị nặng. Phía bắc, ngày 22-10, trong đó ưu tiên Hà Nội, Hà Tây còn những tỉnh khác như Hưng Yên, Thanh Hoá... vaccine sẽ đến sau.

Những khó khăn về vaccine sẽ được tháo gỡ triệt để nếu chúng ta sản xuất được. Việc này phải trông chờ vào Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Thú y.

Hỏi: Một bất cập là tại nhiều địa phương việc buôn bán, giết mổ gia cầm vẫn được thực hiện tràn lan, thiếu sự kiểm soát.

Ông Bùi Quang Anh: Nhiều địa phương như TP Hồ Chí Minh đã có quy định không cho nuôi gia cầm trong thành phố, xây dựng được 50 cơ sở giết mổ tập trung. Hà Nội cũng đã có một lò giết mổ gia cầm tại Phúc Thịnh với công suất 500 con/giờ và đang có dự án xây một lò giết mổ gia cầm lớn với công suất 2.000 con/giờ, trị giá khoảng 40 tỷ đồng. Nhìn chung, chủ trương của Chính phủ rất quyết liệt nhưng việc thực hiện của các địa phương thì chưa ngang tầm chủ trương của Chính phủ. Chúng ta phải nghiên cứu để có biện pháp tài chính nhằm giúp người dân chuyển đổi chăn nuôi, nhất là vịt thả đồng, sang hình thức sản xuất khác, hoặc tổ chức ra các hợp tác xã để dễ quản lý.

Tôi xin có ý kiến rằng trong lúc tuyên truyền cần phải tuyên truyền chính xác về tình hình dịch bệnh, đường lối, chủ trương của Nhà nước, các biện pháp của ban chỉ đạo, tránh gây hoang mang cho người dân.

Cảm ơn ông.

Theo Theo Quân đội nhân dân