Đài Loan sản xuất thuốc cúm gia cầm Tamiflu
Các Website khác - 22/10/2005
Trước những lo ngại về đại dịch cúm gia cầm, Đài Loan đã bắt đầu tự sản xuất lấy thuốc chống virus cúm gia cầm mà không đợi sự chấp thuận của hãng dược phẩm Roche.
Các quan chức Đài Loan nói họ đã làm đơn xin phép sản xuất thuốc, nhưng ưu tiên hàng đầu là bảo vệ người dân.

Thuốc Tamiflu, được sản xuất bởi hãng dược phẩm khổng lồ Roche của Thuỵ Sỹ, tuy không thể chữa khỏi được bệnh cúm gia cầm nhưng hiện nay đây là loại thuốc tốt nhất chống virus cúm gia cầm.

Bệnh cúm gia cầm đã làm chết hơn 60 người ở châu Á kể từ tháng 12 năm 2003.

Các nhà khoa học lo ngại rằng chủng virus H5N1 có thể kết hợp với virus cúm ở người hoặc biến đổi thành một chủng virus mới dễ lây lan giữa người và người, có thể gây nên một đại dịch cúm gia cầm.

Một số nước đã yêu cầu Roche cho phép họ tự sản xuất thuốc Tamiflu theo công thức của hãng này.


Đài Loan sẽ sản xuất sáu kg thuốc Tamiflu, vừa đủ cho nhu cầu dự trữ của họ.

Chính quyền Đài Loan nói họ sẽ không sản xuất thuốc để bán thu lợi nhuận.

Việc sản xuất thuốc đã được bắt đầu ở qui mô nhỏ.

Một quan chức y tế cấp cao nói, Đài Loan đã cho thấy sự thiện chí của mình với hãng dược phẩm Roche trong các cuộc thương lượng và nước này hy vọng sẽ được phép sao chép công thức thuốc Tamiflu.

Ông Su Ih-jen nói với hãng Reuters rằng: “Chúng tôi đã cố gắng hết sức để thương lượng với hãng Roche”.

Ông nói: “Điều đó có nghĩa là chúng tôi đã cho thấy thiện chí đối với Roche và chúng tôi tôn trọng bằng sáng chế của họ. Nhưng bảo vệ nhân dân là điều quan trọng nhất”.

Viện Y tế Đài Loan đã sản xuất một phiên bản thuốc chống virus cúm gia cầm và giống thuốc Tamiflu do Roche sản xuất tới 99%.

Các quan chức nói họ có thể sản xuất thuốc này nhanh hơn và rẻ hơn thuốc Tamiflu của Roche.

Mặc dù Đài Loan vẫn chưa có dịch cúm gia cầm, virus H5N1 đã làm chết hàng ngàn gia cầm và hàng chục người tiếp xúc với gia cầm ở các nước trong khu vực.

Virus này cũng đã lây lan ở châu Âu, với trường hợp nhiễm virus mới nhất là một con vẹt nhập khẩu vào Anh.

BBC