![]() |
Theo thống kê của Trung tâm Phòng chống dịch bệnh trụ sở tại Atlanta, hơn 66% người Mỹ dư cân hoặc béo phì. Trong đó, 33% phụ nữ béo phì và nguy cơ bùng phát người mập đang tăng nhanh.
Nếu người béo phì thay đổi thói quen ăn uống, tiết chế sử dụng các thực phẩm giàu năng lượng có nhiều trong bánh ngọt, thức ăn nhanh, đi bộ 20 phút mỗi ngày, duy trì các bài thể dục thì khối mỡ thừa dù chậm nhưng chắc chắn sẽ giảm. Tuy nhiên, các nhà khoa học không có nhiều lạc quan trước điều này. Béo phì, họ cho biết: “phần lớn là mầm mống hoặc hiển nhiên là biểu hiện bệnh”.
Những thủ phạm bị nghi oan?
Từ lâu người ta đã báo động nguy cơ mập từ bữa ăn kiểu Mỹ. Đã có đề xuất phải có thông tin cảnh báo người tiêu dùng về nguy cơ béo phì trên các loại nước ngọt tương tự như đối với thuốc lá. Nhiều cuộc vận động cấm bán các thức ăn tạp nham giàu năng lượng trong các trường học đã diễn ra. New York và nhiều thành phố khác đã yêu các nhà hàng công bố lượng calories trong thực đơn.
Nhưng nghiên cứu những gì người Mỹ đã ăn (để xem thức ăn nhanh có "phạm tội" không), Barry Glassner - giáo sư xã hội học của Đại học Southern California - nhận thấy: vào năm 1966 khi phần đông người Mỹ còn mi nhon thon gọn, đã có hơn 2 triệu hamburgers được các nhà hàng McDonalds bán ra. Ông chỉ ra sự gia tăng tỉ lệ béo phì hiện nay liên quan đến lối sống lười vận động hơn do ăn nhiều các thực phẩm không tốt cho sức khỏe.
Trước đây, người Mỹ được khuyên nên tập thể dục 30 phút/ngày. Sau đó, sách hướng dẫn ăn uống năm 2005 khuyến cáo họ nên thể dục một cách bài bản 60-90 phút mỗi ngày. Khuyến cáo này vấp phải nhiều sự phản ứng từ dân chúng vì đa số cho rằng đây là mục tiêu không thực tế.
Riêng các nhà khoa học quan tâm tìm hiểu thể dục như thế nào mới giúp người Mỹ tống khứ khối mỡ thừa? Đi bộ sau bữa ăn tối thay vì cố thủ trước tivi được xem là lời khuyên tốt. Đáng tiếc, nó không giúp nhiều trong việc giảm cân. 20 phút đi bộ tiêu thụ 100 calories. Madelyn Fernstrom, giám đốc của trung tâm kiểm soát thể trọng của Trung tâm y tế Đại học Pittsburgh, cho biết: “Chúng ta đã đánh giá quá cao lượng calories được tiêu thụ qua các bài thể dục và đánh giá thấp lượng calories trong thực phẩm mình ăn vào”.
“Ăn uống cân đối tưởng dễ nhưng thật ra rất khó” - bác sĩ Jeffery Friedman, chuyên gia nghiên cứu về béo phì của Đại học Rockerfeller, bày tỏ. Trong một pound cân nặng của cơ thể (0,454 kg) chứa 3,500 calories. Nếu giảm được 100 calories một ngày bằng cách đi bộ 20 phút, bạn sẽ giảm được nửa kí trong 35 ngày. Nhưng trên thực tế, nửa kí mỡ thừa này khó biến mất hơn nhiều vì hai lý do.
Một: Rất khó để kiểm soát lượng calories vào cơ thể chính xác từng ngày. Bữa ăn ở nhà và ở nhà hàng rất khác nhau về khẩu phần và chất lượng do đó tính toán lượng calories trong thực phẩm có sai số. Trước khi giảm được nửa kí thì chúng ta có khi đã nạp vào cơ thể thêm vài chục ngàn calories mới.
Hai là, gần đây, các nhà khoa học đã ghi nhận não bộ điều hành cơ thể và quyết định lượng thức ăn chúng ta cần một cách đáng ngạc nhiên. Theo đó, “có một cơ chế đã ngăn chúng ta giảm cân” - tiến sĩ Matthew W. Gilman, giám đốc chương trình ngăn ngừa béo phì của Đại học Y khoa Harvard, phát biểu.
Trả lời câu hỏi: ăn ít sao vẫn béo phì?
Khoa học giờ đây đã ghi nhận tác động từ môi trường ngoài không có tác dụng quyết định đến cân nặng của một người. Chính cơ thể chúng ta đã quy định sự mập ốm và cả sự thèm ăn từ trong gen (bởi hệ thống DNA) và kiểm soát “lệnh” này chính là bộ não. Giảm cân bằng cách đi đường vòng qua tác động vật lý không chỉ là vấn đề của ý chí.
Phát hiện này giải thích tại sao một người có thể bỏ bữa hay thậm chí không ăn gì trong một khoảng thời gian vẫn không sụt cân. Nó cũng giải thích tại sao đốt cháy 100 calories dư thừa trong cơ thể mỗi ngày là chuyện bắt cóc bỏ dĩa, không khác gì chuyện xảy trước và sau khi một người bước ra khỏi phòng vệ sinh. Để đấu tranh với cơ chế tích lũy calories tự nhiên của não bộ, một người thật sự quyết tâm giảm cân sẽ phải làm số calories mất đi ngày sau cao hơn ngày trước.
Các nghiên cứu trên động vật trong thời kỳ mang thai và chế độ ăn của chúng cũng chứng minh mức độ mập ốm đã được quyết định ngay trong bào thai. Nhìn vào các nghiên cứu trên phụ nữ mang thai, các kết quả còn khiến người ta đáng ngạc nhiên hơn khi nhận thấy những bà mẹ kiêng khem, ăn ít hoặc ăn không được trong thời kỳ mang thai, những bà mẹ hút thuốc sẽ sinh ra những đứa trẻ có xu hướng mập mạp khi trưởng thành.
Theo đó, cuộc sống ít vận động và sự có mặt của vô vàn thực phẩm tiện lợi giàu chất béo thực chất không phải kẻ tội đồ trước đại dịch béo phì đang bùng phát hiện nay.
Từ những kết quả bước đầu, các khoa học gia nhận thấy còn có rất nhiều bí ẩn liên quan đến chế độ ăn uống của chúng ta như việc cơ thể có thể đoán biết và quyết định trọng lượng của trẻ từ trước khi sinh ra đến khi trưởng thành.
Sẽ rất khó với nhiều người dư cân muốn trở về dáng vóc thon thả và như vậy, tin buồn là đại dịch béo phì đang bùng phát ở các nước phát triển (và đang là hiện tượng đáng lo ngại ở các nước đang phát triển) sẽ là gần như không có thuốc chữa.
HỒNG VÂN
▪ Thuốc xịt ngừa thai (10/07/2005)
▪ Cơn khóc co thắt ruột ở trẻ sơ sinh (09/07/2005)
▪ Ăn để tránh stress (09/07/2005)
▪ Kháng sinh có chữa được viêm xoang? (09/07/2005)
▪ Cây trúc đào (09/07/2005)
▪ Ho và khó thở (10/07/2005)
▪ Những yếu tố ảnh hưởng đến tinh trùng (10/07/2005)
▪ TP HCM chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm (09/07/2005)
▪ Chứng gầy bệnh lý (09/07/2005)
▪ Một số bệnh lý đặc thù của nam giới (09/07/2005)