Dị ứng thuốc rất nguy hiểm
Các Website khác - 23/08/2005
Theo nghiên cứu mới nhất của Giáo sư Nguyễn Năng An, chủ tịch Hội hen-dị ứng và miễn dịch lâm sàng Việt Nam, tình hình dị ứng thuốc ở một số tỉnh, thành phố lớn cao gần gấp bốn lần so với tỷ lệ trung bình trên thế giới.
Nguyên nhân chính là tình trạng người dân tự điều trị, lạm dụng thuốc kháng sinh, thuốc bổ bừa bãi. Có khoảng 70 - 80% người dân thường xuyên mua thuốc tự điều trị các bệnh thông thường (cảm cúm, ho, sốt...) và 30% trong số này có các biểu hiện về dị ứng thuốc.

Kháng sinh, thủ phạm hàng đầu

Chị H.T.L, 30 tuổi ở Hưng Yên, chỉ bị cảm cúm thông thường và bị đau bụng đi ngoài đã tự đi mua Ampicillin và Biceptol để chữa viêm họng và đều trị đi ngoài. Tuy nhiên, ngay sau nửa giờ uống thuốc chị L. rơi vào tình trạng sốt cao, nổi ban đỏ khắp người, xuất hiện nhiều nước bọng nước ở da kèm theo các triệu chứng chóng mặt, buồn nôn, sốt cao... Ngay lập tức bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng rất nặng, da toàn thân bị hoại tử, phù nề. Sau khi làm xét nghiệm, các bác sĩ đã xác định bệnh nhân bị dị ứng với thuốc Ampicillin và Biceptol.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến dị ứng thuốc. Thứ nhất có thể do thuốc đã quá thời gian sử dụng, khi đó, chúng không chỉ hết tác dụng mà có thể biến thành chất khác, gây ngộ độc cho người sử dụng. Tuy nhiên, còn một nguyên nhân rất tai hại khác, theo Giáo sư An, là do tình trạng tự điều trị và sử dụng thuốc bừa bãi của người dân, trong đó cán bộ công chức chiếm khoảng 20%, 17% là công nhân và 16% là học sinh, sinh viên. Không ít trường hợp tự kê đơn cho mình hoặc nhờ người bán thuốc kê đơn, kết quả, tiền mất mà tật vẫn mang.

Giáo sư Nguyễn Năng An nhận xét: "Tình hình dị ứng thuốc ngày càng gia tăng, kể cả sốt phản vệ với những hậu quả rất đáng lo ngại. Kết quả nghiên cứu tại một số tỉnh, thành phố như: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Lâm Đồng, Nghệ An, Hòa Bình cho thấy, 7 - 8% dân số ở những địa phương này bị dị ứng thuốc".

Trong 579 ca dị ứng của 123 loại thuốc khác nhau, Penilicilin là nguyên nhân hay gặp nhất (97 lần), tiếp đến là Ampicillin (54 lần), Streptomycin (35 lần). Trong số các loại thuốc gây dị ứng, kháng sinh là nhóm thuốc xếp "đầu bảng" chiếm tới hơn 50%, kế đến là thuốc chống viêm giảm sốt 10%, vitamin hơn 7%... Có 23 loại triệu chúng lâm sàng, trong đó ban đỏ có ngứa, sốt, choáng váng khó chịu và mày đay là những triệu chứng hay gặp hơn cả. Da và niêm mạc là hệ cơ quan thể hiện triệu chứng dị ứng chủ yếu (98%).

Giáo sư An cũng cho biết, trong các trường hợp dị ứng với kháng sinh thường xảy ra, đáng lo ngại nhất là Penicillin. Đây là kháng sinh đầu được tìm ra và áp dụng vào điều trị và cũng chính Penicillin gây sốt phản vệ do dùng kháng sinh. Sốt phản vệ là tai họa khủng khiếp, là trường hợp nặng nhất của dị ứng thuốc, có thể dẫn đến khó thở, hạ huyết áp, trụy mạch và tử vong có thể xảy ra trong vài phút nếu không cấp cứu kịp.

Thuốc bổ cũng có thể gây hại

Dị ứng thuốc gây tác động xấu đến nhiều cơ quan trong cơ thể, tuy nhiên tổn thương da là hay gặp nhất. Biểu hiện của phản ứng dị ứng thuốc rất đa dạng, từ nhẹ như mày đay, ban đỏ trên da đến nặng như hội chứng Stevens Johnson, hội chứng Lyell, suy gan thận... thậm chí có thể gây tử vong ngay tức thì.

Bệnh nhân có thể dị ứng với một loại thuốc, nhưng có người dị ứng với hai, thậm chí ba, bốn loại thuốc. Dị ứng do đường uống nhiều nhất (hơn 70%), hay gây ra các hội chứng loại hình dị ứng muộn, tiếp đó là đường tiêm (gần 20%).

Ngoài ra, một số trường hợp là nhân viên y, dược bệnh viện qua đều tra cũng cho thấy họ có nguy cơ dị ứng thuốc cao gấp 2,5 lần.

Nghiên cứu của Giáo sư Năng An cũng cho biết, gần 10 năm qua, Khoa miễn dịch đã khám và điều trị cho gần 1.500 người, trong đó có 9 trường hợp tử vong do hội chứng Steven - Johson và Lyell.

Theo bác sĩ Trình Mạnh Hùng, Phó trưởng khoa Dị ứng - miễn dịch lâm sàng (BV Bạch Mai), thuốc đông y đứng thứ ba trong số các nhóm thuốc gây dị ứng. "Đây thực sự là điều rất đáng báo động vì người dân vẫn quan niệm không những thuốc đó lành không độc mà còn mát, bổ và hợp với tạng người Việt, vì vậy cứ "thoải mái" uống mà không cần phải đề phòng.

Lứa tuổi trưởng thành thường bị dị ứng thuốc nhiều nhất, theo bác sĩ Hùng, do hệ thống miễn dịch đã phát triển và hậu quả các bệnh viêm, nhiễm trùng, dùng thuốc nhiều lần khi còn nhỏ đã tạo điều kiện cho cơ thể mẫn cảm với thuốc. Có người xuất hiện các triệu chứng dị ứng thuốc ngay sau khi uống một vài giờ, nhưng cũng có khi sau một vài ngày, thậm chí hằng tuần. Đáng lưu ý, rất nhiều trường hợp thấy bị sốt, ngứa, nổi mày đay, tưởng bị thêm một bệnh khác, lại uống vài loại thuốc nữa, càng làm cho tình trạng dị ứng trầm trọng hơn.

Giáo sư Nguyễn Năng An nhận xét: "Tình hình dị ứng thuốc ở nước ta ngày càng gia tăng, kể cả sốt phản vệ với những hậu quả rất đáng lo ngại (tỷ lệ bị dị ứng thuốc chiếm 7 - 8% dân số nhiều địa phương)". Những nguyên nhân chính gây ra tình trạng này là do hằng năm có quá nhiều loại thuốc được đưa vào thị trường nhưng lại thiếu thông tin hướng dẫn sử dụng an toàn hợp lý; nạn tự điều trị, sử dụng thuốc khá bừa bãi; chúng ta chưa quản lý được các nguồn thuốc sản xuất trong nước và nhập khẩu". Giáo sư An cho rằng, những người bệnh trước khi uống thuốc cần phải làm thử phản ứng cơ thể với loại thuốc đó như đặt vào lưỡi, hốc mũi (thuốc uống), hoặc thử ngoài da đối với các loại thuốc tiêm, nâng cao kiến thức sử dụng thuốc, xử lý tình huống sốt phản vệ cho cán bộ y tế, khắc phục triệt để tình trạng sử dụng thuốc bừa bãi...

Theo Theo Cẩm nang tiêu dùng