Khi khớp gối... đau
Điện trị liệu điều trị thoái hóa khớp gối tại Bệnh viện Y học cổ truyền.
Chị Lê Thị My, cư ngụ ở quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh cho biết: "Mẹ tôi năm nay 71 tuổi, cứ mỗi lần về thăm nhà là nghe cụ than đau rồi đưa chỗ sưng tấy ra cho xem. Khi thì ở mắt cá chân, khi thì ở ngón chân. Đưa bà đi bác sĩ, uống thuốc vào thì đỡ đau nhưng sau đó lại đau tiếp.
Bà Minh Quân cư ngụ tại Tân Bình, mỗi lần đứng lên ngồi xuống là một cực hình. "Đi Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, bác sĩ bảo đứng lên mà tôi phải vừa bám víu, vừa chịu đựng cơn đau buốt mới đứng lên được nhưng cũng chỉ lom khom", bà tâm sự. Bác sĩ sau khi thăm khám cho biết bà bị thoái hóa khớp gối, phải phẫu thuật thay khớp nhân tạo.
Còn tại Bệnh viện Y học cổ truyền, bác V.D. cư ngụ ở Phan Rí bị thoái hóa khớp gối bên phải cho biết: "Đau nhức khớp gối nhưng cơn đau buốt thấu xương lại kéo dài từ lưng đến chân phải. Đau không làm gì được. Tôi tìm đến đây chạy điện, khi chạy thấy ấm và giảm đau. Đi được 5 lần rồi, cơn đau giảm 50%".
Điều trị thoái hóa khớp
Thoái hóa khớp tuy là bệnh không gây tử vong như tiểu đường, cao huyết áp nhưng lại ảnh hưởng nặng nề đến sinh hoạt do triệu chứng đau, tê buốt, hạn chế cử động. Thoái hóa khớp háng ở phái nam mắc nhiều hơn nữ; còn thoái hóa khớp gối phái nữ lại chiếm đa số.
Tại TP Hồ Chí Minh, điều trị thoái hóa khớp được thực hiện tại các bệnh viện: Chợ Rẫy, Chấn thương chỉnh hình, Nguyễn Tri Phương, Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Y học cổ truyền, Bệnh viện Đại học Y dược... Song thay khớp nhân tạo chỉ thực hiện ở các bệnh viện: Chấn thương chỉnh hình, Chợ Rẫy, Nhân dân Gia Định.
Việc điều trị, theo các bác sĩ, được phân làm nhiều giai đoạn và tình trạng bệnh như: - Không dùng thuốc: châm cứu, xoa bóp, kích huyệt... - Dùng thuốc giảm đau: thuốc chích thẳng vào khớp. - Thay khớp nhân tạo: khớp háng từ 50.000 - 60.000 USD, khớp gối từ 25.000 - 30.000 USD
| Việc điều trị bệnh thoái hóa khớp là một quá trình không đảo ngược tức không thể có chuyện hết bệnh, bác sĩ Nguyễn Văn Thanh Hải, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, cho biết: "Bệnh nhân có nhiều ngộ nhận về thoái hóa khớp. Một là, nhiều người nghĩ chữa là hết bệnh. Hai là, nhiều bệnh nhân có ý muốn duy trì những thói quen không tốt như ngồi xổm, vác... Thực chất việc điều trị chỉ làm chậm quá trình lão hoá, cải thiện duy trì chức năng vận động cho bệnh nhân trong sinh hoạt hàng ngày. Do đó bệnh nhân cần hiểu về bệnh để sống chung với bệnh".
Cơ thể con người được ví von như cỗ máy, vì vậy các cơ quan trong cơ thể cũng như những linh kiện nếu biết dùng thì tuổi thọ sẽ dài, còn không biết dùng thì tuổi thọ sẽ ngắn. Điều này lý giải tại sao dù là bệnh của người cao tuổi nhưng cũng có người tuổi chưa cao đã mắc! (độ tuổi mắc bệnh từ 40-60 tuổi trở lên). Thực tế điều trị tại các bệnh viện cho thấy cho dù "khớp giả" hoàn hảo đến đâu cũng không thể bằng khớp thật.
Có một cách kéo dài tuổi thọ của sụn khớp tốt nhất là giữ gìn bảo vệ khớp ngay từ khi còn trẻ, đừng để béo phì (khớp phải chịu lực nhiều), bồi dưỡng khớp qua ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, tránh những thói quen có hại cho khớp: ngồi xổm, khuân vác không đúng tư thế, khiêng đồ nặng...
|