Khi sinh, trung bình một đứa trẻ nặng 3 kg và dài 50 cm. Lúc bốn tháng, bé nặng gấp hai lần; khi một tuổi, nặng gấp ba lần; hai tuổi bé đã nặng gấp bốn lần. Chiều cao của trẻ cũng tăng nhanh ở những năm đầu. Sự phát triển của bộ não trong những năm đầu cũng đáng chú ý: lúc mới sinh não nặng khoảng 300 g; đến sáu tháng nặng gấp hai lần, khi một tuổi não nặng gấp ba lần; hai tuổi não trẻ đạt 80% so với não người lớn.
Chuyện cung cấp dinh dưỡng cho trẻ tưởng đơn giản, nhưng thực tế lại không đơn giản chút nào bởi nhiều phụ huynh đã và đang phải đối mặt một thực trạng đáng lo ngại về dinh dưỡng cho trẻ em. Ở người lớn, năng lượng ăn vào bằng với năng lượng cần tiêu hao; còn ở trẻ em, năng lượng ăn vào phải lớn hơn năng lượng tiêu hao vì trẻ em cần dự trữ năng lượng để phát triển. Suy dinh dưỡng là do năng lượng ăn vào giảm và năng lượng tiêu hao tăng. Khi bị suy dinh dưỡng, trẻ không tăng cân, giảm sức đề kháng, dễ mắc bệnh nhiễm trùng gấp hai, ba lần.
Từ thực tế của một trong các trung tâm dinh dưỡng lớn của TP Hồ Chí Minh cho thấy, mỗi ngày có 700-800 ca khám và tư vấn dinh dưỡng thì có đến 40% ca gặp khó khăn về ăn uống, có nghĩa là tình trạng trẻ biếng ăn hiện trở thành rất phổ biến. Nếu như cách đây vài chục năm, nguyên nhân chủ yếu là thiếu ăn, thì hiện nay, chính sự thiếu hiểu biết về dinh dưỡng và sự phát triển của trẻ lại là nguyên nhân chính. Có nhiều nguyên nhân gây biếng ăn ở trẻ: nguyên nhân bệnh lý và nguyên nhân tâm lý. Trong đó, nguyên nhân tâm lý thường xảy ra do những sai lầm trong việc nuôi con.
Nhiều phụ huynh không cho trẻ được tự xúc, tự ăn vì sợ trẻ ăn lâu mất thời gian hoặc làm đổ thức ăn. Thực đơn cho bé cũng thường bị áp đặt theo khẩu vị và theo chủ quan của người lớn. Trong môi trường ăn uống căng thẳng như thế, trẻ sẽ sợ ăn, dẫn đến rối loạn cơ chế no - đói, lâu ngày thành suy dinh dưỡng. Không ít phụ huynh tuy thấy con biếng ăn, chậm lớn, thay vì phải đưa con đến bác sĩ khám và tư vấn thì lại tự làm bác sĩ, cho uống bừa bãi các loại thuốc trị biếng ăn trên thị trường. Nguyên nhân thường gặp là do người nuôi trẻ thiếu hiểu biết cơ bản về thực phẩm, về dinh dưỡng cho trẻ.
Cũng có những sai lầm thường gặp do cho trẻ ăn dặm quá sớm, làm trẻ bị rối loạn hấp thụ, tiêu chảy. Ngược lại, ăn dặm quá trễ sẽ làm bé bị suy dinh dưỡng, sẽ không chịu ăn gì khác ngoài sữa mẹ trong khi sữa mẹ không còn đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng. Khi trẻ bị bệnh, cần bổ sung nguồn dinh dưỡng tốt hơn để chống đỡ bệnh và phục hồi thì nhiều người lại bắt bé kiêng cữ, sẽ dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng. Cũng có người quan niệm ăn cơm sớm bé sẽ mau cứng cáp mà không hiểu rằng, ăn cơm khi chưa có răng hàm để nhai, dễ dẫn đến rối loạn tiêu hóa, đi phân sống và... cũng sẽ bị suy dinh dưỡng. Trẻ bị thiếu nhiều chất, suy dinh dưỡng lâu ngày mà không biết hoặc bị ép ăn quá nhiều, sợ hoặc biếng ăn thường xuyên sẽ bị rối loạn hành vi tiêu hóa. Hiện tỷ lệ trẻ bị suy dinh dưỡng rất cao.
Ðể hạn chế tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ, cần phải có chế độ ăn dặm đúng cách cho bé với bốn nhóm thức ăn bột - đạm - dầu - rau, phát hiện sớm tình trạng thiếu các chất đặc biệt quan trọng cho sự phát triển của trẻ như: vitamin A, sắt, calci... Nếu thiếu các chất này, trẻ sẽ bị thiếu máu, còi xương, tầm vóc lúc trưởng thành bị hạn chế, bị các bệnh về mắt (khô giác mạc, quáng gà, thậm chí mù mắt)...
Bên cạnh tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ em, giờ đây còn có thêm một vấn đề làm nhiều người phải quan tâm, đó là việc có quá nhiều trẻ dư cân và béo phì ở các thành phố lớn. Năm 1996 tỷ lệ trẻ dư cân và béo phì là 2%, đến năm 2000 đã tăng đến 3,1% và cho đến nay thì mức gia tăng đang ở mức báo động. Béo phì được coi là một bệnh, và nguy hiểm ở chỗ là bệnh mãn tính, vì là bệnh mãn tính nên tích tụ theo thời gian. Rất nhiều trường học hiện đang phải áp dụng các biện pháp làm giảm cân, chống béo phì cho trẻ, thậm chí tại các bệnh viện có không ít trẻ phải điều trị bệnh béo phì. Trẻ dưới 1 tuổi thường mập (đôi khi rất mập), nhất là từ tháng thứ 4-6. Ðây là giai đoạn bé tích mỡ nhanh nhất, nhưng lại chưa vận động nhiều để tiêu hao năng lượng.
Hai giai đoạn dễ xuất hiện béo phì dai dẳng ở trẻ em là trong hai năm đầu và vào khoảng 4-11 tuổi. Các bậc cha mẹ ngày nay thường thích con mình mập mạp và đánh đồng sự tròn trĩnh với tình trạng sức khỏe tốt nên có khuynh hướng cho trẻ ăn quá nhiều mà không quan tâm đến nhu cầu thật của cơ thể trẻ. Phần lớn trẻ đều thích ăn quà vặt và rất dễ bị lôi cuốn bởi vô vàn thứ thức ăn bắt mắt. Khi đã béo phì rồi thì hậu quả cũng không xảy ra ngay mà phải một thời gian sau. 80% trẻ bị béo phì sẽ trở thành người lớn béo phì, sẽ bị một số bệnh mãn tính như: tim mạch, cao huyết áp, tai biến mạch máu não, tiểu đường, sỏi mật, gan nhiễm mỡ, khớp, rối loạn chuyển hóa lipit trong máu. Trẻ béo phì lại thường nặng nề, chậm chạp, vụng về, dễ mặc cảm, tự ti và khó hòa nhập bạn bè cùng trang lứa.
Tiến sĩ Trần Kim
|