Đoạn trường đi chữa vô sinh của quý ông
Các Website khác - 30/08/2008

Kết hôn nhiều năm mà chưa có con, anh Quân bị gia đình bắt bỏ vợ để lấy người khác. Thế nhưng, cô vợ hai cũng mãi chẳng có bầu. Đến lúc bị cả nhà thúc lấy vợ ba, anh mới bí mật đi khám và biết chính mình có vấn đề.

Đây là trường hợp mà giáo sư Trần Quán Anh, Giám đốc Phòng khám đa khoa tiết niệu và nam khoa Tâm Anh (30A Lý Nam Đế, Hà Nội) nhớ mãi trong mấy chục năm trong nghề.

Anh Quân, (Đống Đa, Hà Nội) lấy vợ hơn 3 năm vẫn chưa có con. Mẹ anh sốt ruột quá nên thường xuyên dùng lời cay độc để nhiếc mắng con dâu. Đã vậy, hàng xóm còn nhìn gia đình với ánh mắt dò xét: "Chắc kiếp trước ăn ở thất đức nên kiếp này mới chịu quả báo thế" làm cho bà càng thêm bực bội. Cuối cùng, bà vận động cả nhà cùng hùa vào bắt Quân bỏ vợ để cưới cô khác, trông đầy "tiềm năng".

Quân nghe theo lời gia đình nhưng chẳng hiểu sao, sau cả năm rất chăm chỉ "cày" mà bụng vợ vẫn chẳng to lên. Lúc này, những lời châm chích của mẹ anh lại hướng về người vợ thứ hai: "Tưởng lấy cô để cô đẻ con đàn cháu đống cho nhà này, ai ngờ lại rước về 'con cá rô đực' mãi vẫn cứ trơ ra".

Buồn chán quá, lại thêm vốn chẳng có tình cảm gì với người vợ này nên anh Quân quay ra ruồng rẫy vợ, bỏ đi chơi bời, rượu chè.

Một ca phẫu thuật chữa vô sinh của giáo sư Trần Quán Anh. Ảnh: T.A.

Và một lần nữa anh lại nhận được tối hậu thư từ phía gia đình: Bỏ vợ hai để lấy vợ ba. Người vợ hai lúc này nước mắt ngắn dài nài nỉ Quân cùng mình đi khám. Sau cùng, anh cũng đồng ý nhưng với điều kiện là chuyện này chỉ bí mật hai vợ chồng biết, không được hé lộ với bất cứ ai, kể cả mẹ mình. Chị vợ đồng ý.

Kết quả khám nam khoa làm Quân ngã ngửa: Vợ hoàn toàn bình thường, người có vấn đề là anh. Trong tinh dịch của anh không hề có tinh trùng nên không thể thụ tinh cho trứng của vợ được.

Sau một thời gian được giáo sư Trần Quán Anh trực tiếp điều trị, vợ chồng anh giờ đã có một cậu con trai kháu khỉnh. Tuy nhiên, kể cả bà nội bé cũng như họ hàng, xóm giềng không ai biết việc Quân phải chữa trị thế nào. Mọi người vẫn bảo với vợ anh: "May cho cô, sắp bị bỏ thì lại có thai, chứ chậm tí nữa chắc mất chồng rồi".

"Những bệnh nhân nam chữa vô sinh thường có đặc điểm chung là sợ người khác biết. Họ muốn mọi người nghĩ có con là do khả năng tự nhiên của mình chứ không phải nhờ đến y khoa. Bởi thế, hầu như anh nào chữa xong cũng lặn mất tăm" - giáo sư Quán Anh tâm sự - "Chỉ dịp Tết, khi năm nào cũng đón 4-5 cặp vợ chồng bế con đến cảm ơn, chúc Tết, tôi mới biết phương pháp chữa trị của mình hiệu quả với ai".

Theo các chuyên gia, cứ 100 cặp vợ chồng thì có khoảng 15 cặp vô sinh, mà trong đó trách nhiệm thuộc về nam giới chiếm 50%. Có nhiều nguyên nhân khác nhau, như: Rối loạn cương dương, nhiễm trùng hệ tiết niệu-sinh dục (viêm tinh hoàn, viêm tuyến tiền liệt...), những bất thường bẩm sinh về nhiễm sắc thể giới tính hay mắc các tật như không tinh hoàn, tinh hoàn không xuống bìu, tắc ống dẫn tinh, cấu trúc bất thường của tinh trùng...

Giáo sư đầu ngành về nam khoa Trần Quán Anh khẳng định, không có một toa thuốc nào duy nhất chữa cho mọi bệnh nhân vô sinh. Tốt nhất, nếu một năm sau khi cưới mà chưa có con, cả hai vợ chồng cùng nên đi khám để tìm nguyên nhân và chữa trị sớm.

Mỗi hoàn cảnh tìm đến vị giáo sư tài hoa này đều là một bi kịch. "Số phận trêu ngươi hay sao ấy, đa số họ thường là con trai duy nhất trong nhà, thậm chí là trong dòng họ nên sức ép càng lớn", ông chia sẻ.

Ông còn nhớ mãi những hoàn cảnh mà bà mẹ là vợ liệt sĩ, ở vậy nuôi đứa con trai duy nhất, rồi lại héo hon dần khi mong mãi chẳng có cháu bế. Hay một trường hợp khó quên khác là câu chuyện của anh Hoàng, ở Chương Dương, Hà Nội. Anh là con trai duy nhất của gia đình trưởng họ ở một dòng tộc lớn nhất trong xã. Vì thế, hiển nhiên khi bố qua đời, anh phải gánh chức trách quan trọng là kiếm thằng cu nối dõi tông đường. Thế nhưng lấy vợ mấy năm mà chưa có con. Các cụ bô lão trong họ thấy vậy đã năm lần bảy lượt họp họ để bàn việc "phế truất" anh và bầu trưởng họ mới.

Khi đến gặp bác sĩ với gương mặt thiểu não, anh Hoàng nói với giọng khẩn khoản: "Mong bác cố chữa cho cháu. Cháu mệt mỏi quá rồi. Thôi thì, trưởng họ hay không giờ với cháu cũng chẳng quan trọng nữa, cháu chỉ muốn có đứa con thôi."

Qua khám, giáo sư phát hiện trước đây anh bị viêm tinh hoàn và đã chuyển thành xơ teo tinh hoàn nên cơ quan sinh sản không sản xuất được tinh trùng. Sau một thời gian dùng thuốc, anh đã hồi phục và sau đó sinh một cô con gái.

Câu chuyện cảm động nhất mà ông và các đồng sự hay nhắc đến là về một người đàn ông Australia, cách đây không lâu. Anh bị chứng tắc ống dẫn tinh hai bên. Khao khát được khỏi bệnh và có con, anh đã đi khắp các bệnh viện nổi tiếng ở cả Thái Lan, Singapore... để chữa trị nhưng vẫn không khỏi. Vài năm trước, anh sang Việt Nam công tác, đã yêu thương và kết hôn với một cô gái người Việt. Hai vợ chồng lại lặn lội khắp nơi tìm cách chữa bệnh, mong mỏi có một đứa con. Rồi qua Internet, anh biết giáo sư Trần Quán Anh và tìm đến khám và trực tiếp phẫu thuật thông ống dẫn tinh.

Mới đây, ông vui mừng khi nhận được điện thoại từ người vợ thông báo mình đã mang thai 7 tháng. Chị kể, lúc biết tin này, người vui sướng nhất là chồng. Từ đó đến giờ, anh nhất nhất ưu tiên chăm sóc vợ và đi mua sắm đồ chuẩn bị đón con yêu. Vợ chồng họ còn gửi hình ảnh chị đang bụng bầu để mọi người ở phòng khám chia vui.

"Làm cái nghề này có nhiều chuyện buồn, nhiều niềm vui và có cả những nỗi buồn... cười", giáo sư Trần Quán Anh tủm tỉm rồi kể tiếp câu chuyện mới xảy ra.

Hôm ấy, khi phòng khám đang đông người bệnh đợi thì một phụ nữ tầm 30 tuổi xăm xăm bước vào. Chị đặt túi thuốc lên bàn lễ tân và yêu cầu: "Chồng tôi khám chữa ở đây. Bác sĩ cho đơn thuốc 3 tháng, tiêm 45 lọ nhưng giờ mới chữa được 2 tháng, hết 30 lọ thì tôi đã có thai rồi. Tôi đến trả lại 15 lọ thuốc này, mong các chị trả lại tiền".

Sau khi được các bác sĩ giải thích: Thuốc phải dùng đủ liều lượng mới hiệu quả thực sự. Hơn nữa, sau này vợ chồng anh chị còn muốn có con tiếp nữa mà anh chưa khỏi hẳn... chị mới chịu cầm thuốc quay về.

Minh Thùy