Trước nguy cơ dịch cúm gia cầm bùng phát tại Liên minh châu Âu (EU), Hà Lan là nước đầu tiên bắt buộc các trang trại chăn nuôi phải nhốt tất cả các loại gia cầm, đồng thời, kêu gọi Ủy ban châu Âu (EC) áp đặt biện pháp tương tự toàn EU.
Chính phủ Hà Lan thông qua quyết định trên từ ngày 16-8 và bắt đầu áp dụng từ hai ngày qua. Khoảng sáu triệu gia cầm của Hà Lan đang chăn thả tự nhiên (trong tổng số 80 triệu gia cầm nước này) sẽ bị nhốt lại trong các trang trại để tránh nguy cơ dịch cúm lan rộng như từng xảy ra tại nước này năm 2003, với 25 triệu gia cầm phải tiêu huỷ để phòng dịch và đã phát hiện hàng chục trường hợp nhiễm bệnh ở người, trong đó một người tử vong.
Theo Bộ trưởng Nông nghiệp Hà Lan Cees Veerman, biện pháp hạn chế này có thể sẽ được áp dụng đến đầu năm sau nhằm tránh nguy cơ các gia cầm tiếp xúc với những loài chim di cư từ Nga có khả năng mang theo virus cúm gia cầm H5N1.
Những người chăn nuôi gia cầm Hà Lan hoan nghênh quyết định trên và yêu cầu mở rộng lệnh nhốt gia cầm tại các nước EU khác.
Các chuyên gia thú y của 25 nước thành viên EU sẽ nhóm họp ngày 25-8 tại Brussels để nghe giải trình về quyết định của chính quyền Hà Lan và thảo luận biện pháp đối phó nguy cơ dịch cúm gia cầm lan rộng.
Phát ngôn viên của Uỷ viên châu Âu phụ trách Y tế và bảo vệ người tiêu dùng EU Phillip Tod cho biết, nhiều biện pháp đã được áp dụng trong những tuần qua, cụ thể là cấm nhập khẩu chim sống và lông chim từ Nga và Kazakhstan, cấm nhập khẩu gia cầm từ chín nước châu Á, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam.
Ông Tod cho rằng nguy cơ lây lan dịch bệnh tại châu Âu "còn thấp" và EC đang "theo dõi sát tình hình chứ chưa đến mức báo động" và nhấn mạnh các nước thành viên EU chưa nhất trí hoàn toàn với quyết định nhốt chặt gia cầm của Chính phủ Hà Lan. Ngay tại Hà Lan, một số hiệp hội cũng không tán thành quyết định của Chính phủ vì cho rằng nguy cơ không đáng kể và "gia cầm chăn thả cũng được kiểm dịch ba tháng một lần".
Cách đây bốn tháng, EC đã thông qua một chỉ thị bổ sung đạo luật chống dịch cúm gia cầm. Văn bản này dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2007 nhưng hiện vẫn chưa được xem xét tại Hội đồng Bộ trưởng và Nghị viện châu Âu. Trong khi đó, các chuyên gia thú y ngày càng lo ngại nguy cơ một biến thể của virus cúm gia cầm có khả năng lây từ người sang người.
Chỉ thị mới đòi hỏi các quốc gia thành viên EU phải có các biện pháp mới nhằm theo dõi và kiểm soát virus gây bệnh, ngay cả các virus yếu, đề phòng mọi biến thể của các virus.
Đức vừa thông báo khả năng sẽ áp dụng biện pháp tương tự Hà Lan, có thể từ ngày 15-9, nếu virus vượt qua khu vực phía tây Ural. Các trang trại gia cầm của Đức cũng nằm trong hành trình di trú của các loài chim từ Siberia và Ba Lan.
Trong khi đó, Pháp, nước có 790 triệu con gia cầm, trong đó khoảng 9% nuôi thả tự nhiên, chưa đồng ý áp dụng biện pháp nhốt tất cả gia cầm trong trang trại. Bộ Nông nghiệp Pháp đã đề nghị Cục Thú y nước này theo dõi và cảnh báo về khả năng dịch cúm xảy ra để có quyết định vào tuần tới.
Mỗi năm có khoảng hàng chục nghìn con chim di cư chết tại Pháp nhưng các cơ quan thú y Pháp chỉ thu được vài trăm con để nghiên cứu. Một số loài vịt có thể đã lây bệnh từ số chim này nhưng chưa có triệu chứng rõ ràng.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ra thông cáo báo chí hôm 19-8 cho biết, các trang trại nhiễm dịch ở Nga, Kazakhstan và Siberia đã tiêu huỷ gần 130 nghìn con chim. Hơn 150 triệu gia cầm cũng bị tiêu huỷ tại các nước châu Á. WHO khuyến cáo chính phủ các nước dự trữ sẵn các loại thuốc kháng virus và vaccine chống cúm cho gia cầm.
HOÀNG CƯỜNG Theo Le Monde, Le Figaro
|