Bác sĩ Đỗ Hoàng Giao, phó giám đốc Bệnh viện Nhân Dân Gia Định, cho biết: Không bao giờ cho tập thể dục thể thao mà không biết được tình trạng sức khỏe của học sinh (HS). Muốn vậy, điều bắt buộc đối với nhà trường là cho HS khám sức khỏe định kỳ để lọc ra những trẻ có bệnh cần phải theo dõi và cần phải có chế độ luyện tập riêng.
Trong một lớp học, cũng không nên đổ đồng tất cả đều phải tập một bài tập thể dục như nhau, vì có những em thể lực tốt, nhưng cũng có những em thể lực trung bình và thể lực kém. Cần phân ra nhiều loại để có bài học thích hợp cho từng đối tượng.
Đối với những HS cho dù sức khỏe bình thường nhưng cũng có những “thời kỳ đặc biệt” cần quan tâm. Như HS nữ trong những ngày hành kinh thường cơ thể rất mệt mỏi, nên cho nghỉ tập. Nếu có tập, chỉ nên tập những động tác thể dục nhẹ nhàng chứ không nên chơi thể thao.
* Một số trường có sân chật, toàn ximăng... nhưng để bảo đảm giờ dạy, cứ theo tua là các em phải ra sân tập, kể cả những giờ nắng gắt. Như vậy có lợi hay hại?
- Về môi trường luyện tập, sân thảm cỏ xanh là tốt nhất. Nhưng do khó khăn hiện nay là phần lớn sân trường thiếu các khoảng trống, sân lại toàn bằng gạch, ximăng... Để khắc phục, nên bố trí cho HS tập lúc ít nắng, như nửa đầu buổi sáng hoặc nửa cuối buổi chiều để tránh bớt những bức xạ nhiệt.
Trưa quá nắng thì không nên bắt HS ra sân tập. Mục tiêu tập thể dục là để rèn luyện nâng cao sức khỏe, tăng một số kỹ năng cần thiết cho HS, để chống lại mỏi mệt trong quá trình học tập..., vì vậy bài tập thể dục phải đưa ra như thế nào để phù hợp với các mục tiêu trên.
* Đối với HS mắc bệnh tim, suyễn... nên bố trí tập như thế nào?
- Với các bệnh như bệnh tim mạch, hô hấp... cần phải có chế độ tập luyện đặc biệt. Khi luyện tập thể dục thể thao, vận động của cơ thể tăng thì hệ hô hấp, hệ tim mạch đều phải tăng cường hoạt động. Vì vậy, HS bị những bệnh lý này không nên tập quá sức. HS đã xác định bị mắc bệnh tim rồi thì không nên bắt chạy. Đối với HS khỏe mạnh, chạy 100 - 150m là bình thường, nhưng nếu bắt chạy nhiều hơn thì phải có chế độ luyện tập để quen dần, chứ không thể ngay một lúc bắt chạy 300m, 500m... thì quá sức.
* Trường hợp đang tập, HS bị ngất thì xử trí như thế nào?
- Khi HS bị ngất phải sơ cứu ngay: để HS nằm chỗ thoáng mát, thông thoáng, tìm phương tiện nhanh nhất để đưa đến cơ sở y tế gần nhất. Phải xác định được nguyên nhân bị ngất do cái gì để có xử trí thích hợp.
Nguyên nhân thường gặp nhất là bị say nắng nóng, lúc đó phải để HS nằm chỗ thoáng mát, cho uống nước chanh đường hoặc trà đường, quạt mát hoặc lau mát cơ thể, mặt mũi, chân tay...
Nguyên nhân thứ hai có thể gặp là bị hạ đường huyết do không ăn sáng hoặc lười ăn sáng. Dấu hiệu để nhận biết hạ đường huyết là HS bị bủn rủn chân tay, vã mồ hôi. Xử trí ban đầu cũng cho uống nước đường, nếu hạ đường huyết thì sẽ khỏi ngay sau đấy.
Nguyên nhân thứ ba là do bệnh lý có sẵn, mà thường gặp nhất là HS bị bệnh tim mạch hoặc bệnh phổi tiềm tàng, sau khi vận động thể lực một thời gian ngắn sẽ có biểu hiện mệt và khó thở, không thể vận động tiếp tục được nữa.
Với những trường hợp này thì giáo viên phải cho ngừng ngay tập thể dục, cho HS ngồi nghỉ hoặc nằm kê cao đầu ở nơi thoáng mát và thông khí tốt. Tìm phương tiện nhanh nhất để đưa HS đến cơ sở y tế gần nhất.
* Xin cảm ơn bác sĩ.
|