Hội chứng Kartagener là gì?
Các Website khác - 04/11/2005

"Bố tôi bị ho ra máu, điều trị khá lâu bằng thuốc chống lao nhưng bệnh không khỏi. Vừa qua, ông đi Hà Nội khám và được biết đây là bệnh hiếm gặp, còn gọi hội chứng Kartagener. Xin cho biết về bệnh này".

Trả lời:

Hội chứng này đã được Kartagener mô tả từ năm 1933, bao gồm giãn phế quản lan tỏa, viêm xoang sàng hoặc xoang hàm ở bệnh nhân có phủ tạng đảo ngược. Bệnh có tính chất gia đình và là một trong những bệnh hiếm gặp.

Các phế quản bị giãn có hình trụ, hình túi hoặc hình tràng hạt. Khi phế quản bị giãn, các mao mạch giãn theo và bị tổn thương, gây ho ra máu. Có hai thể giãn phế quản: ho ra máu là thể khô; ho ra rất nhiều đờm vào buổi sáng, có thể đến 400-500 ml đờm là thể ướt. Đờm để lâu, lắng thành 3 lớp: trên cùng là bọt, giữa là mủ và dưới cùng là chất nhày. Tất cả các trường hợp phủ tạng đảo ngược mà phế quản không bị giãn thì không gọi là hội chứng Kartagener. Những trường hợp tim ở bên phải, có giãn phế quản mà không có viêm xoang sàng, xoang hàm cũng được xếp vào hội chứng Kartagener.

Ở người mắc hội chứng Kartagener, các phế quản thường bị viêm nhiễm từ lúc còn là bào thai. Hội chứng Kartagener làm cho đường hô hấp trên và dưới bị viêm nhiễm tái phát, điều trị mãi không đỡ. Đó là nguyên nhân gây viêm các xoang mặt và phế quản ngày càng bị giãn nhiều. Người bệnh có thể bị vô sinh do cấu trúc của cơ quan sinh dục không bình thường.

Đa số người mắc hội chứng Kartagener khi chưa phát hiện đầy đủ các triệu chứng thường được điều trị theo hướng bị viêm xoang, viêm họng. Nếu có ho ra máu thì họ sẽ chẩn đoán nhầm là lao phổi và được điều trị bằng thuốc chống lao. Chỉ đến khi bệnh nhân được gửi lên tuyến trên, có trang thiết bị chụp, chiếu, siêu âm mới phát hiện là giãn phế quản và có đảo ngược phủ tạng, lúc đó mới có hướng điều trị chính xác.

Về điều trị, phải dùng kháng sinh mạnh, có khi phải phối hợp nhiều loại kháng sinh, hoặc dùng kháng sinh liều nhỏ kéo dài. Chú ý điều trị các triệu chứng. Nếu ho ra máu dai dẳng, giãn phế quản chỉ tập trung vào một hay vài thùy, có thể có chỉ định mổ cắt phế quản.

TS Đào Kỳ Hưng, Sức Khỏe & Đời Sống