- Xin cho biết vắn tắt về bệnh sốt rét?
- Sốt rét là một bệnh nhiễm đơn bào được truyền sang người qua muỗi Anopheles (thường đốt người vào chiều tối, ban đêm). Bệnh sốt rét, do gắn liền với sự phân bố của muỗi Anopheles, nên thường gặp ở các nước nhiệt đới. Bệnh sốt rét ở người do 4 chủng loại Plasmodium gây ra: Plasmodium falciparum, P.vivax, P.ovale và P.malariae.
Bệnh sốt rét là một vấn đề y tế công cộng ở khoảng 90 nước, chiếm 36% dân số toàn thế giới, nghĩa là khoảng hơn 2 tỷ người. Người ta ước tính tỷ lệ mắc mới sốt rét trên thế giới khoảng 300-500 triệu các ca lâm sàng mỗi năm, trong đó hơn 90% là ở các nước thuộc châu Phi nhiệt đới.
Có khoảng 1,5 đến 2,7 triệu người chết hàng năm, trong đó đa số là các trẻ em ở châu Phi - nhất là ở những vùng sâu, vùng xa không có các dịch vụ y tế. Các nhóm nguy cơ cao của bệnh sốt rét gồm có phụ nữ mang thai, những người không có miễn dịch, những người lao động đi vào các vùng sốt rét lưu hành.
- Khi bị muỗi có truyền ký sinh trùng sốt rét đốt thì bao lâu mới xuất hiện triệu chứng bệnh?
- Thời kỳ ủ bệnh trong sốt rét là thời gian từ khi bị nhiễm ký sinh trùng cho đến khi xuất hiện các triệu chứng lâm sàng đầu tiên, trong đó triệu chứng sốt là phổ biến nhất. Thời gian ủ bệnh thường từ 9 đến 30 ngày, tùy thuộc vào chủng loại ký sinh trùng (ngắn nhất đối với P.falciparum và dài nhất đối với P.malariae). Đối với một số chủng P.vivax như P.v.hibernans , thời gian ủ bệnh có thể kéo dài đến 8-9 tháng.
Trong thực hành, phải nghĩ ngay đến sốt rét do P.falciparum (vì có thể gây chết người) nếu có triệu chứng sốt (sốt đơn thuần hoặc kèm theo một số các triệu chứng khác) xuất hiện vào bất kỳ lúc nào trong khoảng 1 tuần sau khi vào vùng sốt rét và 2 tháng (hoặc lâu hơn trong một số trường hợp ngoại lệ) sau khi ra khỏi vùng sốt rét.
- Làm sao bệnh sốt rét truyền sang người?
- Đường lây truyền chủ yếu của bệnh sốt rét là qua vết đốt của muỗi Anopheles khi có mang ký sinh trùng sốt rét ở thể gây nhiễm, gọi là thoa trùng. Trong số khoảng 400 loài muỗi Anopheles trên thế giới thì chỉ có khoảng 60 loài là có khả năng truyền bệnh sốt rét trong điều kiện tự nhiên; và trong số này lại chỉ có khoảng 30 loài là trung gian truyền bệnh quan trọng. Ở từng nước con số này lại còn ít hơn nhiều. Ở Việt Nam, đã xác định được khoảng bảy loài muỗi Anopheles có vai trò truyền bệnh sốt rét.
Ngoài ra, bệnh sốt rét còn có thể được truyền qua truyền máu, kim chích nhiễm mầm bệnh. Một khả năng khác, tuy hiếm gặp trong thực tế là người mẹ mắc sốt rét cũng có thể truyền bệnh cho con trong lúc mang thai.
- Liệu một người nhiễm ký sinh trùng sốt rét có khả năng truyền bệnh sang người khác trước khi bản thân họ có biểu hiện lâm sàng không?
- Thể ký sinh trùng sốt rét ở người bệnh gây nhiễm cho muỗi được gọi là giao bào. Còn thể ký sinh trùng sốt rét từ muỗi gây bệnh cho người lành gọi là thoa trùng. Trong cơ thể muỗi, giao bào cần một thời gian để phát triển thành thoa trùng. Khi đã thành thoa trùng thì muỗi Anopheles mới có khả năng truyền bệnh sốt rét cho người khác.
Tại các vùng sốt rét lưu hành nặng, do cư dân bị nhiễm sốt rét lập đi lập lại nhiều lần nên trong cơ thể họ đã hình thành miễn dịch chống sốt rét. Miễn dịch này có thể khiến họ không có các biểu hiện lâm sàng của sốt rét (như sốt chẳng hạn). Như vậy, những người này, dù không có triệu chứng bệnh, vẫn có thể mang giao bào ký sinh trùng sốt rét ở máu ngoại biên và gây nhiễm cho muỗi. Còn đối với những người không có miễn dịch sốt rét thì họ thường có biểu hiện lâm sàng của bệnh trước khi giao bào xuất hiện ở máu ngoại biên.
Những người cho máu vẫn có khả năng truyền bệnh sốt rét cho người khác trong khi bản thân họ không có biểu hiện lâm sàng. Đối với lây truyền sốt rét qua truyền máu, vì không có vai trò của muỗi, nên ký sinh trùng ở thể vô tính (không phải giao bào) ký sinh trong hồng cầu của người cho sẽ có vai trò vừa truyền bệnh vừa gây bệnh trực tiếp cho người nhận máu.
|