Đại diện Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cho biết, từ ngày 15/9, 13 tỉnh thành trên cả nước (trong đó có TP HCM và Hà Nội) bắt đầu triển khai tiêm văcxin phòng cúm gia cầm trên diện rộng. Bộ Y tế sẽ phối hợp chặt chẽ để bảo đảm an toàn cho những người tham gia.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống SARS và cúm H5N1 chiều 14/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, việc tiêm văcxin gia cầm thí điểm đã được thực hiện tốt ở Nam Định và Tiền Giang từ đầu tháng. Do đó, 13 tỉnh trọng điểm khác cũng được quyết định tiêm. Đến chiều qua, văcxin đã được chuyển đầy đủ về các địa phương. Đã có 260 triệu liều được chuẩn bị với tổng kinh phí khoảng 750 triệu đồng.
Những người tham gia tiêm văcxin cúm gia cầm đều được trang bị bảo hộ lao động và nhỏ thuốc sát trùng mũi họng thường xuyên. Y tế địa phương sẽ theo dõi họ sát sao trong vòng 1 tuần và kịp thời xử lý ngay nếu có biểu hiện sốt, khó thở. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn, nguy cơ nhiễm bệnh của người tiêm rất cao vì có đến 70% gia cầm được xét nghiệm huyết thanh mang kháng thể H5N1 và 15-20% được phát hiện mang virus này.
Ngoài việc ngăn ngừa nguy cơ từ công tác tiêm văcxin, Bộ Y tế cũng đang chuẩn bị đối phó với khả năng bùng phát đại dịch cúm A trong mùa đông xuân tới. Một kế hoạch hành động khẩn cấp đã được xây dựng với các phương án cụ thể để áp dụng trong từng cấp độ dịch. Ông Trịnh Quân Huấn cho biết, tuy gần đây Việt Nam không phát hiện bệnh nhân mới nhưng các điều kiện để cúm A phát triển vẫn tồn tại. Trên thế giới, tình hình dịch liên quan đến H5N1 vẫn diễn biến phức tạp; mầm bệnh có thể theo chim hoang dã đến mọi nơi. Các quốc gia châu Âu đang chuẩn bị căng thẳng cho một đại dịch rất có thể xảy ra.
Ông Huấn cũng cho biết, nếu xét theo cấp độ dịch H5N1 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam được xếp vào cấp 3, nghĩa là có dịch lan sang người (cấp 5-6 là đại dịch). Để kiềm chế nguy cơ này, Bộ Y tế đang đề nghị WHO hỗ trợ để thiết lập hệ thống giám sát chặt chẽ xuyên suốt 800 bệnh viện trong cả nước, giúp phát hiện sớm ca bệnh đầu tiên và xử trí kịp thời.
Thanh Nhàn
▪ Thuốc xịt ngừa thai (10/07/2005)
▪ Cơn khóc co thắt ruột ở trẻ sơ sinh (09/07/2005)
▪ Ăn để tránh stress (09/07/2005)
▪ Kháng sinh có chữa được viêm xoang? (09/07/2005)
▪ Cây trúc đào (09/07/2005)
▪ Ho và khó thở (10/07/2005)
▪ Những yếu tố ảnh hưởng đến tinh trùng (10/07/2005)
▪ TP HCM chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm (09/07/2005)
▪ Chứng gầy bệnh lý (09/07/2005)
▪ Một số bệnh lý đặc thù của nam giới (09/07/2005)