Kháng sinh,  thủ phạm gây dị ứng thuốc
Các Website khác - 24/12/2005
Theo GS. Nguyễn Năng An, Chủ tịch Hội hen-dị ứng và miễn dịch lâm sàng Việt Nam, dị ứng do thuốc đã quá hạn có thể biến thành chất khác, gây ngộ độc cho người sử dụng. Tình trạng tự điều trị và sử dụng thuốc bữa bãi của người dân cũng gây những hậu quả nặng nề. 
Gia tăng tình trạng dị ứng thuốc

Giáo sư Nguyễn Năng An nhận xét: "Tình hình dị ứng thuốc ngày càng gia tăng, kể cả sốt phản vệ với những hậu quả rất đáng lo ngại. Kết quả nghiên cứu tại một số tỉnh, thành phố như: TP Hồ Chí Minh Hà Nội, Hải Phòng, Lâm Đồng, Nghệ An, Hòa Bình cho thấy, 7 - 8% dân số ở những địa phương nãy bị dị ứng thuốc".

Ông An cũng cho biết, trong các trường hợp dị ứng với kháng sinh thường xảy ra, đáng lo ngại nhất là Penicillin. Đây là kháng sinh đầu được tìm ra và áp dụng vào điều trị và cũng chính Penicillin gây sốt phản vệ do dùng kháng sinh. Sốt phản vệ là tai họa khủng khiếp, là trường hợp nặng nhất của dị ứng thuốc, có thể dẫn đến khó thở, hạ huyết áp, trụy mạch và tử vong có thể xảy ra trong vài phút nếu không cấp cứu kịp.

Nghiên cứu của giáo sư Năng An cũng cho biết, gần 10 năm qua, Khoa Dị ứng, miễn dịch lâm sàng bệnh viện Bạch Mai đã khám và điều trị cho gần 1.500 người, trong đó có chín trường hợp tử vong do hội chứng Steven - Jonhson và Lyell.

Theo bác sĩ Trình Mạnh Hùng, Phó trưởng khoa dị ứng - miễn dịch lâm sàng (BV Bạch Mai), thuốc đông y đứng thứ ba trong số các nhóm thuốc gây dị ứng. "Đây thực sự là điều rất đáng báo động vì người dân vẫn quan niệm không những thuốc đó lành không độc mà còn mát, bổ và hợp với tạng người Việt, vì vậy cứ "thoải mái" uống mà không cần phải đề phòng".

Có người xuất hiện các triệu chứng dị ứng thuốc ngay sau khi uống một vài giờ, nhưng cũng có khi sau một vài ngày, thậm chí hằng tuần. Đáng lưu ý, rất nhiều trường hợp thấy bị sốt, ngứa, nổi mày đay, tưởng bị thêm một bệnh khác, lại uống vài loại thuốc nữa, càng làm cho tình trạng dị ứng trầm trọng hơn. GS Nguyễn Năng An cho biết, những nguyên nhân chính gây ra tình trạng này là do hằng năm có quá nhiều loại thuốc được đưa vào thị trường nhưng lại thiếu thông tin hướng dẫn sử dụng an toàn hợp lý; nạn tự điều trị, sử dụng thuốc khá bừa bãi; chúng ta chưa quản lý được các nguồn thuốc sản xuất trong nước và nhập khẩu.

Thuốc bổ cũng gây dị ứng

GS An cho rằng, những người bệnh trước khi uống thuốc cần phải làm thử phản ứng cơ thể với loại thuốc đó như đặt vào lưỡi, hốc mũi (thuốc uống), hoặc thử ngoài da đối với các loại thuốc tiêm, nâng cao kiến thức sử dụng thuốc, xử lý tình huống sốt phản vệ cho cán bộ y tế, khắc phục triệt để tình trạng sử dụng thuốc bừa bãi...

Trong 579 ca dị ứng của 123 loại thuốc khác nhau, kháng sinh là nhóm thuốc xếp “đầu bảng” chiếm tới hơn 50%. Các tên thuốc kháng sinh thường gây dị ứng là Penilicilin, Ampicillin, Streptomicine. Kế đến là thuốc chống viêm giảm sốt 10%, vitamin hơn 7%... có 28 loại triệu chứng lâm sàng, trong đó ban đỏ có ngứa, sốt, choáng váng khó chịu và mày đay là những triệu chứng hay gặp hơn cả. Da và niêm mạc là hệ cơ quan thể hiện triệu chứng dị ứng chủ yếu (98%).

Dị ứng do đường uống nhiều nhất (hơn 70%), hay xảy ra các hội chứng loại hình dị ứng muộn, tiếp đó là đường tiêm (gần 20%). Ngoài ra, một số trường hợp là nhân viên y, dược bệnh viện qua đều tra cũng cho thấy họ có nguy cơ dị ứng thuốc cao gấp 2,5 lần.

Chỉ sử dụng thuốc của bác sĩ kê đơn

Theo dược sĩ Nguyễn Hữu Đức, Đại học Y được TP Hồ Chí Minh, với sự phát triển nhảy vọt của nền công nghiệp dược phẩm, thế giới sản xuất ra thuốc chữa bệnh với khối lượng khổng lồ. Các thuốc chữa bệnh này có rất ít là các hợp chất tự nhiên và phần rất lớn là các hóa chất tổng hợp. Mà đã hóa chất tổng hợp thì cơ thể ta rất dễ dàng xem đó là “chất lạ" nếu không nói là "chất độc”. Trong một biệt dược, không chỉ có hoạt chất có tác dụng trị liệu mà còn có các chất phụ gọi là tá dược có thể đóng vai trò “chất lạ" đối với cơ thể. Mà hễ là "chất lạ" thì cơ thể là sẽ chống lại, đôi khi có hiệu quả nhưng đôi khi lại hứng chịu hậu quả nặng nề gọi là bị tai biến. Vì vậy, không lấy làm lạ là tai biến do dùng thuốc, đặc biệt là hiện tượng dị ứng thuốc xảy ra ngày càng nhiều trên thế giới.

Có rất nhiều thuốc có thể gây nên dị ứng thuốc. Trước hết phải kể thuốc có bản chất protein, gọi là thuốc tạng liệu, thuốc có nguồn gốc nội tiết tố (hormon), huyết thanh các loại... Một số biệt dược trước đây rất nổi tiếng như campolon, campovit bào chế từ trích tinh gan bò tơ vào những năm cuối thập niên 70 đã bị cấm sản xuất chính vì nguy cơ gây dị ứng.

Dược sĩ Đức lưu ý, nhiều thuốc gây dị ứng chéo do cấu trúc hóa học gần giống nhau. Thí dụ, người đã bị dị ứng với Penicinin thì sẽ có nguy cơ bị dị ứng với các kháng sinh cùng họ với Penicillin như: Ampicillin, Amoxicillin... thậm chí bị dị ứng với các kháng sinh thuộc họ Cephalosporin. Riêng bactrim với thành phần có chứa một loại Sulfamid cũng là thuốc rất hay gây dị ứng. Và cũng tùy thể tạng, có người dùng thuốc trong thời gian dài không sao nhưng, đến thời điểm nào đó bỗng dưng lại bị dị ứng.

Dược sĩ Đức khuyên, nên tuân theo nguyên tắc (chỉ dùng thuốc khi thật cần thiết, tốt nhất là dùng thuốc theo sự chỉ định và hướng dẫn của thầy thuốc”. Nếu đang dùng một thứ thuốc mà phát hiện bị ngứa, nổi mẩn đỏ, khó thở, phải lập tức ngưng ngay thuốc đó và báo cho thầy thuốc biết. Người đã có tiền sử dị ứng, đặc biệt là bị hen suyễn, phải thận trọng khi dùng thuốc. Nếu đã phát hiện có biểu hiệu dị ứng với một loại thuốc nào thì sau này không được dùng loại thuốc đó nữa và khi đi khám chữa bệnh nên báo cho thầy thuốc biết để thầy thuốc tránh cho dùng, sẽ chỉ định loại thuốc khác thay thế.

Theo Theo Gia đình và xã hội