Không có chuyện “hồi tố” !
Các Website khác - 17/10/2008
 
Sau những thông tin đa chiều quanh quy định mới về tiêu chuẩn sức khỏe người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ (người lái xe) do Bộ Y tế ban hành, hôm qua 16.10, PV Thanh Niên tiếp tục gặp một số "người trong cuộc" nhằm giải đáp những băn khoăn của dư luận.
 


Đo mắt khám sức khỏe tại một bệnh viện quận ở TP.HCM - Ảnh: T.Tùng


Không phải quy định “cứng”

Vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm là khi quy định mới có hiệu lực, liệu có chuyện "hồi tố" để xử lý những trường hợp đã có hiệu lực theo quy định cũ, nhất là đối với giấy phép lái xe (GPLX) mô tô, xe gắn máy? Ông Trần Quý Tường, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), khẳng định: "Chúng tôi đã trao đổi với các cơ quan liên quan và chính thức thông báo: không có việc thu hồi GPLX mô tô, xe gắn máy của những người đã được chứng nhận sức khỏe theo các tiêu chuẩn trước đây".

Ông Nguyễn Tiến Sỹ, Phó tổng giám đốc Công ty xe máy Kymco nói: "Nhiều doanh nghiệp nhập linh kiện về lắp ráp xe 50 cc đều khẳng định, thực tế hiện nay, chiếc xe 50 cc và 70 cc hoặc 100 cc đều không khác nhau mấy. Các chi tiết chiều cao, độ dài, khoảng cách tay lái của xe 50 cc... đều "xài chung" với các loại xe máy phân khối lớn hơn". (H.Sơn)

Tương tự, ông Tường cũng cho biết, những giấy khám sức khỏe theo quy định cũ còn thời hiệu, vẫn tiếp tục sử dụng được khi quy định mới có hiệu lực.

Về quy định người có chiều cao dưới 1m45 hoặc cân nặng dưới 40 kg không được cấp GPLX xe mô tô, xe gắn máy, ông Tường khẳng định là có cơ sở khoa học và cũng phù hợp với hầu hết người dân VN, và khuyên: "Người dưới chuẩn này vì sự an toàn cho cá nhân và mọi người tham gia giao thông, hãy sử dụng các loại xe có dung tích xi-lanh dưới 50cm3 hoặc các phương tiện giao thông phù hợp khác".

Tuy nhiên, ông Tường cũng cho biết: "Nhưng đây không phải là quy định "cứng", áp đặt, mà vẫn sẽ được điều chỉnh để phù hợp với điều kiện thực tế. Bởi chúng tôi cũng đã được các chuyên gia cho biết, đã có những loại xe đặc thù được thiết kế dành cho người có chiều cao đứng thấp hoặc nhẹ cân. Nếu các xe này có mặt tại VN, Bộ Y tế tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan để xem xét, điều chỉnh các tiêu chuẩn sức khỏe người lái xe cho phù hợp điều kiện thực tiễn".

Sẽ tổ chức hội nghị hướng dẫn

Xung quanh những dư luận cho rằng theo quy định mới, việc khám sức khỏe cho người lái xe sẽ gây tốn kém cho người dân và khó khăn cho nhiều bệnh viện, ông Tường cho rằng: "Thực ra giấy chứng nhận (GCN) sức khỏe người lái xe được thiết kế theo mẫu của GCN sức khỏe Bộ Y tế đã ban hành theo Thông tư số 13/2007/TT-BYT của Bộ Y tế về Hướng dẫn khám sức khỏe từ năm 2007, chứ không phải bây giờ mới đề cập.

Theo đó, một người khi đi khám để lấy GPLX chỉ cần khám các tiêu chí về thể lực và 13 nhóm tiêu chí về chức năng sinh lý, bệnh tật theo chuyên khoa. Thực ra, các chi tiết này chỉ là cụ thể hơn các chi tiết đã được quy định theo tiêu chuẩn sức khỏe lái xe đã ban hành trước đó.

Còn các phần mục tiếp theo bao gồm các chỉ số rất chi tiết cho từng loại bệnh, chức năng... chỉ là tài liệu để chuẩn hóa, phân loại mức độ bệnh cho các cơ sở y tế trên toàn quốc, trong trường hợp cần chỉ định khám cho bệnh nhân. Như vậy, các bác sĩ khi xem các biểu mẫu này đã chưa hiểu cặn kẽ, lầm tưởng, tất cả các cá nhân đều phải khám chi tiết: suy thận, phân độ giai đoạn tăng huyết áp, phân độ thiếu máu, phân loại rối loạn thông khí phổi...".

Ông Tường nói trong thời gian sớm nhất sẽ tổ chức hội nghị để có dịp thông tin đầy đủ hơn, cặn kẽ hơn về việc triển khai quy định mới này.

GCN sức khỏe mới: tốn tiền và thời gian hơn rất nhiều

 
Chị Nguyễn Thị Bích Ngọc (18 tuổi, SV năm 3 trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM) chỉ cao 1m35, cân nặng 38 kg, vẫn phải sử dụng xe trên 100 cc để đi lại hằng ngày - Ảnh: Nghĩa Phạm

Trong khi đó, chiều qua 16.10, bác sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán y khoa - Medic (TP.HCM) tính toán: chi phí xét nghiệm cận lâm sàng (xét nghiệm đường máu, công thức máu; xét nghiệm nước tiểu - đường niệu, đạm niệu); X-quang tim phổi, điện tâm đồ tốn khoảng 120 ngàn đồng, cộng với các khoản khám chung, và khám chuyên khoa khác, nếu thực hiện đúng như quy định thì tốn thêm khoảng 180 ngàn đồng nữa; tổng thời gian khám khoảng 4 giờ.

Tương tự, một bác sĩ ở một bệnh viện đa khoa tại TP.HCM cũng dựa vào mẫu GCN mới, tính chi phí xét nghiệm cận lâm sàng từ 130-140 ngàn đồng. Về phần khám các chuyên khoa, bác sĩ này lắc đầu: "Vì quy định có quá nhiều chuyên khoa, không biết bắt buộc khám riêng từng chuyên khoa, hay khám gộp chung. Nếu khám riêng thì chi phí sẽ rất nhiều".

Còn theo bác sĩ Q.H ở một bệnh viện tuyến quận: với mẫu GCN trước, bác sĩ chỉ khám qua, chứ không làm các xét nghiệm cận lâm sàng; nhưng với mẫu mới ở phần xét nghiệm cận lâm sàng liệt kê rất chi tiết kết quả từng loại xét nghiệm, X-quang…, bác sĩ muốn xác nhận đủ hay không đủ điều kiện cho người lái xe thì bắt buộc phải kiểm tra. Ngoài ra, còn có một số phần khám chuyên khoa như sản phụ khoa..., mà tóm lại người đi khám phải trải qua những phần khám chung, khám chuyên khoa, lấy máu xét nghiệm, chạy đi chụp X-quang, chờ kết quả…  rất mất thời gian và tốn kém.

Liên Châu - Thanh Tùng