Bệnh viện da liễu TP HCM mỗi năm tiếp nhận điều trị hàng trăm trẻ mắc bệnh ngoài da. Tất cả đều trong tình trạng bệnh nặng. Ngoại trừ một số trẻ bị bệnh bẩm sinh hoặc ác tính, còn lại đa số phải nhập viện vì không được điều trị đúng cách.
"Nhiều nhất là trẻ bị bội nhiễm do người nhà tự mua thuốc hoặc được điều trị bởi bác sĩ không chuyên về da liễu trước đó. Một số phải nhập viện nhiều lần vì người nhà không theo đúng y lệnh của bác sĩ. Khi xuất viện, trẻ không được uống thuốc theo đúng chỉ dẫn, không tái khám đúng định kỳ...", bác sĩ Nguyễn Nhật Ninh, Trưởng khoa lâm sàng I Bệnh viện da liễu, cho biết.
Các bác sĩ da liễu khẳng định, bệnh ngoài da không gây nguy hiểm tính mạng bệnh nhân và việc điều trị cũng đơn giản. Nhiều bệnh chỉ cần xoa thuốc là khỏi. Tuy nhiên, loại thuốc đó phải được sự chỉ định của bác sĩ chuyên da liễu. Vì nhiều bệnh ngoài da có thể có những biểu hiện giống nhau nhưng lại có nguyên nhân khác nhau. Việc tự mua thuốc trị bệnh ngoài da thường để lại những hậu quả như làm da trẻ bị chàm hóa, bị bội nhiễm, làm bệnh không lành được trong một thời gian dài.
Bệnh về da được chia thành các nhóm: bệnh da do nhiễm, bệnh da dị ứng, bệnh da bóng nước, bệnh hồng ban, vẩn sẩy, bệnh tạo keo, bệnh bẩm sinh, bệnh ác tính. Trong đó, các bệnh mà trẻ thường gặp nhất là chàm do dị ứng, ghẻ, chốc nhọt do vi trùng, bệnh Duhring Brocq (bệnh bóng nước)...
Trong bất kỳ điều kiện sống nào trẻ cũng có thể mắc các bệnh về da nếu không được vệ sinh da sạch sẽ hằng ngày. Theo thống kê của Bệnh viện da liễu TP HCM, khu vực Đông Nam bộ, Tây Nam bộ và các quận nội thành TP HCM có số trẻ nhập viện là như nhau. Điều này cho thấy, hiểu biết về bệnh ngoài da ở nông thôn và nội thành không có sự khác biệt.
Khi có bệnh, người dân thường có thói quen tự mua thuốc về điều trị cho trẻ. Và nhiều trường hợp do tự mua thuốc xoa làm trẻ bệnh ghẻ, bệnh bóng nước bị bội nhiễm, bị chàm hay bệnh không lành. Trong khi, ghẻ là căn bệnh lây lan rất thường gặp ở trẻ em. Khi trẻ bị ghẻ thì cả gia đình cũng bị. Muốn trẻ khỏi bệnh cần phải chữa trị cả nhà. Phải xác định đúng nguyên nhân gây ra ghẻ thì việc dùng thuốc mới có tác dụng.
Một bệnh ngoài da có thể phòng ngừa cho trẻ là bệnh do dị ứng thuốc. Những thuốc gây dị ứng cho trẻ bao gồm: kháng sinh, cảm ho, giảm đau, thuốc nam và những loại thuốc trị bệnh đặc hiệu khác. Những loại thuốc này có thể làm trẻ bị hồng ban đa dạng, mề đay, hồng ban bóng nước... Trẻ càng lớn càng dễ bị các bệnh dị ứng vì trẻ phải dùng thuốc nhiều. Một số ít trẻ dị ứng do phải dùng thuốc vì các bệnh bắt buộc. Nhưng đa số trẻ bị dị ứng phải nhập viện vì người nhà tự mua thuốc khi trẻ bị ho, cảm, sốt thông thường. "Gần 10% trẻ nhập viện là do dị ứng thuốc", bác sĩ Nhật Ninh nói.
Thiếu vi chất kẽm cũng làm trẻ bị bệnh da. Biểu hiện bệnh là nổi hồng ban tróc vẩy, mụn nước xung quanh các hóc tự nhiên: miệng, hậu hôn, đầu chi còn kèm theo tiêu chảy và trì trệ phát triển về mặc tâm thần Những triệu chứng này rất giống những bệnh da khác như "chốc" hay nhiễm nấm candida, viêm da tã lót.
Ba tháng hè là thời điểm trẻ đến khám và nhập viện nhiều nhất vì thời tiết nóng ẩm, trẻ sinh hoạt vui chơi nhiều nên dễ xảy ra các bệnh về da. Lứa tuổi mắc bệnh nhiều nhất là 1-5 tuổi, kế đến 10-15 tuổi, còn trẻ 5-10 tuổi có tỷ lệ mắc các bệnh về da thấp nhất.
Mỹ Lan
▪ Thuốc xịt ngừa thai (10/07/2005)
▪ Cơn khóc co thắt ruột ở trẻ sơ sinh (09/07/2005)
▪ Ăn để tránh stress (09/07/2005)
▪ Kháng sinh có chữa được viêm xoang? (09/07/2005)
▪ Cây trúc đào (09/07/2005)
▪ Ho và khó thở (10/07/2005)
▪ Những yếu tố ảnh hưởng đến tinh trùng (10/07/2005)
▪ TP HCM chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm (09/07/2005)
▪ Chứng gầy bệnh lý (09/07/2005)
▪ Một số bệnh lý đặc thù của nam giới (09/07/2005)