Knorr đảm đang 'kêu oan'
Các Website khác - 26/10/2005
Knorr đảm đang gặp sóng gió. Ảnh: T.N.

5 ngày sau khi Cục Quản lý thị trường ra công văn đình chỉ lưu hành sản phẩm Knorr đảm đang, công ty Unilever Bestfood & Ellida P/S đã gửi đơn khiếu nại lên cả Bộ Thương Mại và Bộ Y tế. Công ty cho rằng sản phẩm trên không có sai phạm và việc đình chỉ là oan uổng.

Unilever khẳng định, trước khi lưu hành, Knorr đảm đang đã được công ty công bố tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh, an toàn thực phẩm theo đúng quy định hiện hành. Mẫu mã và những thông tin về sản phẩm in trên bao bì đang lưu hành trên thị trường đều đúng với mẫu đăng ký đã được Cục An toàn vệ sinh thực phẩm xác nhận. Bao bì cũng ghi rõ thành phần, công dụng, chất lượng... sản phẩm.

Unilever cũng cho rằng mình oan uổng khi bị "kết tội" là không nêu rõ tên hàng hóa trên nhãn (Knorr đảm đang là bột canh gia vị hay bột nêm, muối...). Theo công ty này, tên hàng hóa chính là "sản phẩm nêm nếm gia dụng", được đặt theo điều 6 khoản 4 của Quyết định 178/1999/QĐTTg về quy chế ghi nhãn hàng hóa. Theo quy chế này, tên hàng hóa nếu không có trong tiêu chuẩn Việt Nam hoặc tiêu chuẩn quốc tế mà Việt Nam đã công bố áp dụng thì được phép dùng tên mô tả cụ thể hoặc nói rõ công dụng hàng hóa. Theo Unilever, Knorr đảm đang nằm trong trường hợp này.

Unilever Việt Nam cũng "kêu" về việc thời hạn thi hành quyết định đình chỉ lưu hành để khắc phục vi phạm nhãn hàng là quá ngắn; trong vòng 10 ngày từ 14 đến 24/10 không thể hoàn tất và báo cáo kết quả được. Sau buổi làm việc với lãnh đạo công ty, ngày 21/10, Bộ Thương mại đã ra công văn tạm thời hoãn thi hành quyết định đình chỉ vì những vi phạm về nhãn hàng hóa nói trên cần có thời gian xử lý, tạo điều kiện cho doanh nghiệp khắc phục". Ông Nguyễn Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Bộ Thương mại, cho biết, thời hạn thi hành quyết định đình chỉ sẽ do cục công bố sau khi làm việc thêm với công ty và các cơ quan nhà nước hữu quan. Theo ông Thịnh, quan điểm của cục vẫn là Unilever phải bỏ hoặc thay thế dòng chữ "thay thế bột ngọt" trên nhãn hàng Knorr đảm đang.

Về phía Thanh tra Bộ Y tế, chiều 25/10, cơ quan này lại một lần nữa khẳng định, sai phạm về nhãn mác của Knorr đảm đang đã quá rõ ràng. Trong Tiêu chuẩn Việt Nam đã có tên mặt hàng bột canh gia vị với định nghĩa: sản phẩm được sản xuất từ muối ăn, có bổ sung mì chính (hoặc chất thay thế mì chính) và các gia vị thực phẩm khác.

Theo công bố chất lượng sản phẩm Knorr đảm đang, hàm lượng muối ăn trong mặt hàng này là 49-55%.

Mẫu kiểm nghiệm Knorr đảm đang tại Trung tâm tiêu chuẩn đo lường chất lượng khu vực 3 ngày 26/9 cho thấy, sản phẩm này có 54% muối, 30% bột ngọt.

Với thành phần 50% muối, 30% mì chính, Knorr đảm đang hoàn toàn phù hợp với định nghĩa này. Vì vậy, nó chính là bột canh gia vị chứ không phải là một sản phẩm mới hoàn toàn chưa có tên trong tiêu chuẩn Việt Nam hay tiêu chuẩn quốc tế được áp dụng tại Việt Nam.

Theo Thanh tra Bộ y tế, nhãn sản phẩm này đã sai ở chỗ không có tên "bột canh gia vị", hay "bột nêm". "Sản phẩm nêm nếm đa dụng" không thể được coi là tên hàng hóa; khái niệm này lại không rõ ràng vì bột canh hay nước mắm, xì dầu, muối... cũng đều là sản phẩm nêm nếm, dùng được trong nhiều món ăn. Ngay cả khi "sản phẩm nêm nếm đa dụng" là tên hàng hóa thì vẫn sai về kích thước chữ (quá nhỏ so với quy định: chữ viết tên hàng hóa không nhỏ hơn 1/2 chữ cao nhất trên nhãn).

Mặt khác, sản phẩm lại được giới thiệu là "tự nhiên hơn bột ngọt", dùng "thay thế bột ngọt", có thể gây hiểu lầm là mặt hàng này không hề có mì chính. Trên nhãn, chỗ ghi thành phần, nguyên liệu mì chính chỉ được ghi dưới dạng mã là "chất điều vị 621", người bình thường không thể biết là chất gì. Như vậy, những người bị mẫn cảm với mì chính có thể coi Knorr đảm đang là không có mì chính và dùng nó như một sản phẩm thay thế gia vị này, rất dễ bị dị ứng.

Trong sự tranh cãi về việc Knorr đảm đang có vi phạm nhãn mác hay không, có một điểm khiến cả Unilever lẫn Thanh tra Bộ y tế đều có thể nhận lẽ phải về mình. Đó là bản công bố tiêu chuẩn chất lượng thực phẩm của Knorr đảm đang, do Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, Bộ Y tế xác nhận. Trong đó, phần "Thông tin ghi trên nhãn" không hề có các dòng chữ "tự nhiên hơn bột ngọt", "dùng thay thế bột ngọt" như nhãn sản phẩm được lưu hành. Tuy nhiên, kèm theo hồ sơ công bố chất lượng lại có một bản photo nhãn Knorr đảm đang với đầy đủ các dấu hiệu vi phạm kể trên, và bản photo này cũng được Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm đóng dấu xác nhận.

Do "không ai chịu ai" nên trong thời gian tới, nhà sản xuất và các cơ quan quản lý sẽ phải tiếp tục làm việc với nhau trong nhiều ngày nữa. Trong khi đó, sản phẩm gây tranh cãi Knorr đảm đang vẫn được lưu hành trên thị trường.

Bác sĩ Nguyễn Xuân Mai, Viện Phó Viện vệ sinh y tế công cộng, cho biết, bột ngọt là muối của axit glytamic, được xem là có lợi cho sức khỏe con người và tham gia vào hoạt động của hệ thần kinh. Tuy nhiên, nó chỉ có ích khi dùng trong liều lượng cho phép là 300-400 mg/ngày. Bình thường cơ thể cũng tự sản xuất axit glytamic để đáp ứng cơ chế "vận hành". Việc lạm dụng bột ngọt sẽ gây tiêu hao năng lực do cơ thể hoạt động nhiều để thải axit glytamic thừa, tê liệt chức năng tự sản xuất. Những người bị thiếu axit glytamic thì sẽ được bổ sung chất này ở liều cao nhưng phải theo chỉ định của bác sĩ.

Về sản phẩm bột nêm chứa mì chính, ông Mai cho biết, quy định pháp luật chỉ đưa ra tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm chứ không quy định thành phần cụ thể (tỷ lệ muối hay bột ngọt là bao nhiêu) vì điều này thuộc về bí quyết kinh doanh.

Ông Huỳnh Tấn Phong, Chi cục trưởng Chi cục quản lý thị trường TP HCM, cho biết, tại TP HCM hiện có hơn 10 nhãn hiệu bột canh, bột nêm gia vị nhưng chưa từng kiểm tra, giám sát chất lượng của các sản phẩm này.

Ý kiến của bạn

Hải Hà - Phan Anh