Kỹ thuật tránh đa thai khi thụ tinh trong ống nghiệm
Các Website khác - 23/09/2008

Thay vì đưa vào tử cung nhiều phôi như phương pháp truyền thống, kỹ thuật blastocyst chọn duy nhất một phôi khỏe mạnh cấy vào người mẹ. Phương pháp này sẽ hạn chế tối đa hiện tượng đa thai.

Cụ thể với kỹ thuật blastocyst, sau khi chọn lọc ra trứng thích hợp nhất và cấy tinh trùng, trứng được nuôi trong phòng thí nghiệm trong 5 ngày cho phát triển thành túi phôi (gọi là phôi nang), rồi mới đưa vào tử cung người mẹ.

Ở Việt Nam, trong các ca thụ tinh trong ống nghiệm trước nay, người ta thường chuyển phôi ở giai đoạn 4-8 tế bào, nghĩa là sau khi nuôi cấy phôi 2-3 ngày là chuyển vào tử cung. Nếu 4 tế bào này đều tốt sẽ gây nên tình trạng đa thai và buộc phải nạo hút bớt thai ra ngoài, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người mẹ.

"Điểm khác nhau của hai phương pháp là thời điểm chuyển phôi", bác sĩ Hồ Mạnh Tường, Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP HCM cho biết.

Kỹ thuật blastocyst sẽ hạn chế tối đa tình trạng đa thai. Ảnh: bệnh viện Piyavate Thái Lan

"Do có thời gian theo dõi thêm trong phòng thí nghiệm nên kỹ thuật blastocyst sẽ chọn phôi thích hợp khỏe mạnh nhất để cấy vào tử cung của người mẹ", bác sĩ Tongtis Tongyai thuộc bệnh viện Piyavate - Bangkok Thái Lan phân tích.

Về ưu điểm của phương pháp này, bác sĩ Tongtis khẳng định: "Người ta thường nhầm khi cho rằng việc đưa vào tử cung một phôi thai sẽ làm giảm tỷ lệ mang thai, tuy nhiên nếu lựa chọn đúng mẫu bệnh nhân để cấy blastocyst thì tỷ lệ mang thai vẫn như cũ đồng thời còn giảm đáng kể tỷ lệ mang đa thai".

Cũng theo các chuyên gia về lĩnh vực điều trị hiếm muộn vô sinh, đây là hai trường phái khác nhau chứ blastocyst không phải phương pháp mới. Hiện nay trên thế giới, chỉ những bệnh viện có kỹ thuật hiện đại tiên tiến mới áp dụng nuôi phôi nang blastocyst, vì môi trường nhân tạo ngoài tử cung cần những tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn rất nhiều.

Năm 1999 bệnh viện Từ Dũ cũng đã thử áp dụng phương pháp này nhưng do quá tốn kém về cơ sở vật chất mà tỉ lệ có thai cũng tương đương với phương pháp cũ nên Từ Dũ quyết định quay về phương pháp cũ để phù hợp với điều kiện Việt Nam.

"Ưu điểm mà các bệnh viện tiên tiến trên thế giới khi áp dụng kỹ thuật blastocyst nhắm tới là hạn chế đa thai, vì theo các thống kê mới nhất tỉ lệ đậu thai giữa chuyển phôi ngày 2-3 hay 5-6 là như nhau", bác sĩ Tường khẳng định.

Ví dụ, chuyển phôi ngày 2-3 vào 10 người thì 4 người có thai. Chuyển phôi ngày 5-6 cũng thực hiện ban đầu với 10 người, quy trình nuôi bên ngoài sẽ loại bỏ 2 phôi của 2 người do phôi yếu và chết đi, 8 phôi khỏe mạnh còn lại chuyển vào tử cung thì có thai 4 người.

Như vậy, cuối cùng tỷ lệ đậu thai của 2 kỹ thuật trên vẫn là 40%, nhưng trong tương lai hầu hết bệnh viện tiên tiến trên thế giới hy vọng sự tiến bộ của khoa học sẽ giúp cho 2 phôi yếu không bị chết và có thể tăng tỷ lệ có thai lên 60%. "Với điều kiện của Việt Nam, phải 5 tới 10 năm nữa mới là thời điểm thích hợp áp dụng kỹ thuật blastocyst", bác sĩ Tường phân tích.

Kiên Cường