Lời khuyên chống cúm gà từ chuyên gia quốc tế
Các Website khác - 29/09/2005
Cần thiết lập mạng lưới nghiên cứu cúm gà.

Ở những quốc gia có dịch, bác sĩ cần nghĩ tới khả năng nhiễm H5N1 ở bất kỳ bệnh nhân nào có dấu hiệu hô hấp cấp tính, đặc biệt là những người tiếp xúc với gia cầm.

Trước tình hình virus cúm gà chủng độc đang lan rộng ở châu Á và đe dọa châu Âu, một nhóm chuyên gia quốc tế đưa ra một số chỉ dẫn lâm sàng trên tạp chí The New England Journal of Medicin về cách phát hiện, khống chế dịch, đặc biệt là phương pháp điều trị và phân biệt căn bệnh này với những loại cúm khác ở người.

Cho tới nay, tất cả các ca bệnh ở người đều liên quan đến việc tiếp xúc với gia cầm bệnh, chưa có trường hợp nào lây nhiễm từ người sang người. Tuy nhiên, trưởng nhóm chuyên gia quốc tế Frederick G. Hayden đến từ Đại học Virginia (Mỹ) nhận định, nguy cơ này có thể trở thành hiện thực."Cần tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến dịch bệnh để kịp thời phát hiện bất kỳ dấu hiệu gia tăng về khả năng thích nghi của virus đối với con người", Hayden khuyến cáo. Giới khoa học đang rất cần có thêm dữ liệu về "thủ phạm" vì hiện nay còn nhiều "câu hỏi quan trọng chưa tìm ra lời giải".

Chủng virus H5N1 gây bệnh cho người hoàn toàn khác với các chủng cúm do chính virus của người gây ra, đặc biệt là về tuyến trình lây lan, mức độ nghiêm trọng lâm sàng, sinh bệnh học và điển hình là phản ứng với liệu pháp điều trị. Ví dụ, thời gian ủ bệnh của H5N1 khá dài. Bệnh nhân nhiễm virus cũng hiếm khi có biểu hiện viêm màng kết. Các triệu chứng viêm đường hô hấp trên chỉ thỉnh thoảng xuất hiện, trong khi triệu chứng của đường hô hấp dưới lại phổ biến hơn. Sốt cao, tiêu chảy, nôn mửa, đau bụng và xuất huyết từ mũi và lợi cũng xuất hiện trong giai đoạn chớm bệnh. Do đó, ở những quốc gia có dịch, bác sĩ cần nghĩ tới H5N1 ở bất kỳ bệnh nhân nào có biểu hiện sự cố hô hấp cấp tính.

Khi có triệu chứng và cần xét nghiệm chẩn đoán, bác sĩ có thể tìm ra câu trả lời tin cậy nhất bằng phương pháp cấy siêu vi trùng từ họng hơn là từ mũi. "H5N1 có thể có độ chuẩn virus cao hơn ở vùng họng, chứ không phải ở mũi, và do đó việc phân tích mẫu bệnh phẩm từ họng hoặc vùng hô hấp dưới là sáng suốt", nhóm chuyên gia nhấn mạnh.

Trong điều trị H5N1, thuốc Tamiflu (tên biệt dược là oseltamivir) dường như hiệu quả nhất. Các chuyên gia cho biết khi so sánh liều chuẩn của Tamiflu dạng uống và Relenza (zanamivir) dạng xịt mũi ở liều gấp đôi thì hai loại không có sự khác biệt. Nhân viên y tế bắt đầu có triệu chứng "cần được điều trị ngay bằng oseltamivir". Bệnh nhân phải được cách ly tối đa qua các con đường lây nhiễn như tiếp xúc, giọt nước và không khí. Ở những nơi không có phòng riêng cho bệnh nhân, các giường bệnh cần cách nhau tối thiểu là 1 m.

Hành khách tới vùng dịch cần được tiêm phòng bằng loại văcxin thể tam vị của người trước khi khởi hành 2 tuần. Những người tiếp xúc với bệnh nhân hoặc gia cầm bệnh nên rửa tay thường xuyên và tránh "mặt đối mặt" với người bệnh. Nếu không, cần theo dõi thân nhiệt 2 lần/ ngày và theo dõi triệu chứng một tuần sau khi tiếp xúc.

Vấn đề hiện nay là "khẩn trương xây dựng mạng lưới hợp tác về y tế và nghiên cứu dịch bệnh giữa các viện nghiên cứu ở những nước có dịch và cộng đồng quốc tế", nhóm chuyên gia nhấn mạnh, "sự phân tán diện rộng của H5N1 hiện nay với các điểm dịch mới ở Mông Cổ, Kazakstan và Nga cho thấy cộng đồng người gặp rủi ro đang ngày càng lớn ".

Mỹ Linh (theo Medpagetoday)