Ca mổ kỹ thuật cao
Phình động mạch chủ bụng là một nguy cơ khá phổ biến và nguy cấp đối với bệnh nhân bởi khi chúng vỡ ra là tử vong tức khắc. Từ nhiều năm qua, PGS-BS Văn Tần đã nghiên cứu và thực hiện nhiều ca phẫu thuật phình động mạch chủ dưới thận đạt kết quả rất tốt. Được biết, ông là người giải phẫu cho các trường hợp phình động mạch chủ nhiều nhất Việt Nam hiện nay (trước đây, kỷ lục này thuộc về cố GS-BS Tôn Thất Tùng). Điều đáng nói là các loại động mạch bị xơ cứng, bị hẹp, bị tắc dẫn đến phình to thường chỉ xảy ra ở người có tuổi hoặc người mắc nhiều bệnh cùng lúc và lâu năm, tức những bệnh nhân có tổng trạng thể chất yếu. Trước đây, cách can thiệp cổ điển là phải thực hiện một cuộc đại phẫu hết sức phức tạp và bắt buộc phải mở ổ bụng, đòi hỏi bệnh nhân phải có sức khỏe tối thiểu bảo đảm cho giai đoạn hậu phẫu, hồi sức. Với phương pháp mới chỉ phải xẻ hai đường nhỏ dưới đùi (sau khi đã đo thật chính xác kích thước đoạn mạch cần ghép), rồi luồn ống ghép nhân tạo (đã nén đến mức tối thiểu) vào lòng động mạch đùi. Dưới sự hỗ trợ của màn tăng sáng (từ máy chụp động mạch DSA), các bác sĩ sẽ đưa ống ghép nhân tạo (dệt bằng sợi tổng hợp có phủ màn dacron để máu không thấm qua) vào đúng vị trí, móc hai đầu rồi bung ống ghép mới ra, thay thế cho phần động mạch cũ bị phình, bị giãn.
Và những người tận tụy vì mạch đập người Việt
Được biết, từ năm 1994 đến nay Hiệp hội phát triển mạch Đông - Nam Á do GS- BS Pierre Desoutter làm Chủ tịch đã có nhiều đóng góp trong việc hỗ trợ, hợp tác tổ chức nhiều hoạt động phát triển chuyên ngành mạch máu tại Việt Nam. Hội đã tổ chức 14 chương trình trao đổi về mạch máu học và hỗ trợ đào tạo sau ĐH cho 25 bác sĩ du học tại Pháp, đồng thời trợ giúp nhiều trang thiết bị y tế cho Việt Nam. Hiện ADVASE đang phối hợp cùng Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh (ĐHYD) tổ chức khóa đào tạo phẫu thuật viên mạch máu cho các bác sĩ sau ĐH thuộc các tỉnh, thành phía nam. Hội thảo về tim mạch 2005 sắp diễn ra tại Huế cũng là một trong những hoạt động tích cực hỗ trợ phát triển ngành tim mạch tại Việt Nam của Hiệp hội. Vì các hoạt động trên, GS-BS Pierre Desoutter vừa được Trường ĐHYD TP Hồ Chí Minh phong tặng danh hiệu "Giáo sư danh dự".
Trong tình hình và điều kiện của Việt Nam hiện nay, các kinh nghiệm cùng phương tiện kỹ thuật mới trong giải phẫu và điều trị các bệnh về tim mạch cần được lưu tâm, khuyến khích và triển khai rộng rãi tại các bệnh viện càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, phương pháp phẫu thuật đặt ống ghép nội mạch này vẫn còn hạn chế ở chỗ: ngoài sự hỗ trợ của kỹ thuật và kinh nghiệm do đạc chính xác kích thước, vị trí của động mạch, giá thành của ống ghép vừa khá cao (gần 6.000 USD/đoạn ống ghép), lại vừa phải gửi đặt trước ở nước ngoài với thời gian tối thiểu 3 tuần" - sau thành công từ ca phẫu thuật, BS Văn Tần vẫn băn khoăn.
Rõ ràng, chi phí phẫu thuật này không phải bệnh nhân nào cũng kham nổi. Ngành bảo hiểm không xếp phình động mạch vào danh sách các bệnh... không bảo hiểm. Trước đây, với phẫu thuật cũ (mở ổ bụng) giá chỉ 250 - 350 USD nhưng rất nhiều người đã phải bán cả nhà mới trả nối. Không ít ca, để cứu bệnh nhân, BS Văn Tần vừa phẫu thuật vừa phải tự xoay xở viện phí cho họ. Tiếng lành đồn xa, bệnh nhân từ khắp nơi kéo đến, các bệnh viện khác hễ gặp ca nào tương tự lập tức "chuyển ngay đến Bệnh viện Bình Dân cho BS Tần!". Cứ thế, ông đã miệt mài với hơn 1.000 ca.
Đến nay, với thành tựu mới này bệnh nhân đỡ đau đớn, mất sức, mất máu (có ca cần cả chục bịch máu) và bác sĩ cũng đỡ nhọc nhằn nhưng những lo lắng vẫn cứ đeo đẳng các bác sĩ cả đời tâm huyết với nghề. BS Văn Tần dự tính: "Sẽ liên hệ nhiều tổ chức từ thiện nước ngoài để xin hoặc mua với giá hỗ trợ các đoạn ống ghép nhằm hạ viện phí cho bệnh nhân. Tôi cũng đã dự định đặt những đoạn ống dài hơn đối với người có điều kiện, rồi cắt bớt phần không dùng để dành lại cho bệnh nhân nghèo. Trường hợp nhu cầu cao đành phải mua lại những đoạn dư của người ta về giặt, hấp, tẩy lại...".
Cả đời mòn chân đứng dưới những ngọn "đèn không hắt bóng" của phòng mổ, trở về nhà lại vùi mình vào các đề tài nghiên cứu khoa học, nhìn những bệnh nhân đau đớn cần kíp được giải phẫu BS Văn Tần lại ao ước các tổ chức bảo hiểm y tế nhà nước xem xét hỗ trợ phần nào cho bệnh nhân, một cơ quan khoa học nào đó của Việt Nam có thể nghiên cứu chế tạo các đoạn ống ghép để không phải đặt hàng tận nước ngoài với giá ngất trời như hiện nay...
|