Món ăn-bài thuốc chữa thủy đậu
Các Website khác - 25/03/2006
Để chữa thủy đậu, có thể áp dụng một số món ăn bài thuốc như cháo lá sen, nước đỗ xanh, thậm chí cả nước thân cây rạ...
Về ăn uống: Chọn một trong số bài sau cho thích hợp khẩu vị của trẻ:

- Nước thân cây rạ: thân cây rạ bỏ lá rơm ngoài 15g. Nấu lấy nước cho trẻ uống thay nước hằng ngày.

- Nước mã thầy (củ năn), bồ công anh - 2 vị lượng bằng nhau 15g. Nấu nước uống. Có thể thêm đường.

- Nước đậu xanh: đậu xanh 100g, nấu với 500ml nước. Uống thay nước hằng ngày suốt thời gian bệnh, có thể thêm ít đường phèn hoặc đường đỏ, hoặc nấu cháo đậu xanh loãng. Có thể dùng các loại đậu khác như đậu đen, đỏ, trắng.

- Cháo rễ lau: rễ lau tươi 10-20g, gạo 50g, hai thứ nấu cùng.

- Cháo lá sen: lá sen tươi 100g, gạo 100g, nấu lá sen lấy nước nấu cháo. Thêm ít đường phèn hoặc đường đỏ.

- Cháo lá tre: lá tre tươi 30g, gạo 100g. Nấu lá tre khoảng 20 phút lấy nước nấu cháo.

- Cháo ý dĩ (hạt bo bo): hạt bo bo 30g, nấu cháo với 60g gạo. Ngày ăn hai lần trong vài ngày.

- Cháo rễ lau, sinh địa: rễ lau 20g, sinh địa 10g, thạch cao 10g, gạo 100g. Nấu thuốc trước lấy nước nấu cháo nhừ.

- Cháo phục linh: phục linh 15g, hoa mai vàng 15g, gạo tẻ 50g. Nấu kỹ phục linh với hoa mai vàng lấy nước để nấu cháo. Ăn nóng.

- Cháo bách hợp: bách hợp 10g, đậu đỏ 20g, hạnh nhân 6g (bóc vỏ bỏ mầm), gạo 30g, nấu cùng cho nhừ. Dùng vào thời kỳ khỏi bệnh.

Thuốc uống: Thuốc uống có thể dùng một trong số bài thuốc sau:

Bài 1: Bản lam căn 100g, ngân hoa 50g, cam thảo 15g. Nước 600ml sắc lấy 500ml, bỏ bã, thêm ít đường phèn. Mỗi lần uống 10-20ml. Ngày vài lần. Dùng liền 4-5 ngày, thích hợp thủy đậu thời kỳ đầu.

Bài 2: Cam thảo dây 20g, rễ lau 20g, lá tre 20g, kim ngân hoa 20g, hoàng đằng 20g. Sắc uống.

Bài 3: Kim ngân 12g, tế sinh địa (loại nhỏ) 12g, liên kiều 8g, xích thược 8g, bồ công anh 16g, chi tử sao 8g. Sắc 3 lần lấy mỗi lần một thang. Uống 3 ngày.

Bài 4: Thổ phục linh, cây cải trời, bồ công anh, cam thảo đất, sài đất. Các vị bằng nhau 20g. Sắc uống.

Bài 5: Kim ngân 12g, kinh giới 10g, bạc hà 10g, cam thảo đất 12g, lá tre 16g. Sắc uống ngày một thang trong 2-3 ngày. Khi nốt thủy đậu đã xẹp thì giảm bớt bạc hà, kinh giới, lá tre, gia thêm mạch môn 10g, thiên môn 10g, sắn dây 10g, lá dâu 10g, đỗ đen sao 20g. Ngày uống một thang, 3 ngày (3 thang).

Nước để tắm: Dùng một trong các thứ lá sau: lá cây tầm bóp leo, cỏ chân vịt, lá hòe vò lấy nước cốt thêm nước đun sôi để âm ấm hoặc nấu lấy nước. Tắm ngày một lần. Nước còn ấm và tắm nơi kín gió! Hạn chế làm vỡ nốt đậu.

Thuốc bôi đắp

Nốt đậu to, phòng dễ vỡ: dùng xanh methylen bôi. Hoặc dùng: thanh đại 30g, thạch cao 160g, hoạt thạch 160g, hoàng bá 80g, tán mịn trộn đều với dầu mù u để bôi lên nốt đậu.

Nốt thủy đậu đã xẹp loét chưa liền da thì lấy lá mướp khô đốt lấy tro rắc vào vết loét sau khi tắm xong.

Bệnh thủy đậu diễn biến tương đối nhẹ nếu biết chăm sóc, tránh gió, nước, lạnh và đồ ăn uống khó tiêu. Khác với sởi (như tên gọi), bệnh thủy đậu nổi những mụn nước rồi đóng vảy, rồi bong, không để lại sẹo như đậu mùa nếu không bị bội nhiễm do để bẩn nhiễm trùng. Cho nên với thủy đậu còn phải giữ không để nhiễm khuẩn các mụn nước! Đối với độ tuổi của trẻ bị thủy đậu thường lớn hơn, hiếu động hơn nên khó quản lý hơn. Cần hạn chế ra môi trường bên ngoài (nắng, gió, bụi, bẩn...). Nếu không quan tâm đúng mức thì cả hai bệnh đó đều có thể gây ra các biến chứng hô hấp, tiêu hóa... ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.


Theo Sức khỏe và Đời sống