Một số bệnh răng miệng cần lưu ý
Các Website khác - 18/08/2005
Trong số các bệnh răng miệng, sâu răng là căn bệnh thường gặp nhất, sau đó là nha chu, vôi hóa tuyến nước bọt... Giữ vệ sinh răng miệng đúng cách, kiểm tra răng thường xuyên và có chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý là những cách để ngăn ngừa những bệnh này.
Hầu hết những bệnh về răng miệng có diễn tiến âm thầm, không nguy hiểm và không gây đau tức thời nên thường phát hiện muộn. Thêm vào đó nhiều bệnh nhân chủ quan, tự điều trị bằng kháng sinh khiến bệnh trở nên nguy hiểm hơn.

Trong báo cáo gần đây của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sâu răng và căn bệnh răng miệng phổ biến nhất ở nhiều nước châu Á và châu Mỹ Latin. Ở các nước phát triển cũng không thua kém với 60 - 90% trẻ em tuổi đi học và đa số người lớn mắc bệnh. Hậu quả của bệnh răng miệng khá nặng nề. Chúng gây đau đớn, mất chức năng vận động răng miệng và giảm chất lượng cuộc sống (do mất răng, sưng răng, khó khăn trong nhai dẫn đến không cảm thấy ngon miệng đối với bất kỳ loại thực phẩm nào) đồng thời, chi phí điều trị khá cao (chiếm 5 - 10% chi phí y tế tại các nước phát triển).

Bệnh sâu răng

Đây là bệnh phổ biến nhất của ngành nha khoa. Chúng đang có chiều hướng tăng cao do những sự thay đổi trong lối sống, thói quen sinh hoạt, chế độ ăn uống và tuổi thọ trung bình:

- Cuộc sống bận rộn làm cho người ta không có nhiều thời gian chăm sóc răng miệng.

- Thói quen sinh hoạt (hút thuốc lá) làm răng, lợi bị ảnh hưởng, dễ mắc bệnh.

- Chế độ ăn có nhiều đường.

- Tuổi thọ trung bình kéo dài, răng tồn tại lâu hơn và bị suy yếu dần khiến khả năng mắc bệnh ở người già cao.

Bệnh sâu răng là sự tiêu hủy cấu trúc vôi hóa vô cơ (tinh thể canxi) của men răng và ngà răng, tạo nên lỗ hổng trên bề mặt răng, do vi khuẩn gây ra. Ba yếu tố quan trọng gây bệnh sâu răng là vi khuẩn, đường (trong thức ăn) và thời gian. Ngoài ra các yếu tố chủ quan như tuổi tác, bất thường của tuyến nước bọt, bất thường bẩm sinh của răng có thể khiến cho khả năng mắc bệnh sâu răng tăng cao và tốc độ bệnh tiến triển nhanh. Dấu hiệu dễ nhận thấy nhất của sâu răng là xuất hiện lỗ hổng trên bề mặt răng. Nhưng khi các lỗ hổng này xuất hiện thì bệnh đã tiến triển được một thời gian dài, đang bước sang giai đoạn trầm trọng. Bình thường bệnh sâu răng có tốc độ phát triển tương đối chậm, mất khoảng từ 2 đến 4 năm để ăn sâu từ bề mặt lớp men răng đến lớp ngà răng. Khoảng từ 6 tháng đến 1 năm (có khi 2 năm) đầu bệnh thường tiến triển mà không tạo lỗ trên bề mặt răng. Do đó người bình thường không nhận ra mình bị bệnh. Khi lỗ sâu còn nông thì không đau. Chỉ đến khi lỗ sâu lớn, ăn vào lớp ngà răng mới thấy đau với cường độ nhẹ, đặc biệt là khi ăn thức ăn nóng, lạnh hoặc chua, ngọt. Nhưng ngừng ăn thì cơn đau cũng ngừng. Nếu để bệnh tiếp tục tiến triển, sâu răng sẽ ăn vào tận buồng tủy răng, gây ra bệnh viêm tủy, lúc này rất đau, cơn đau kéo dài và người bệnh thường không xác định chính xác được là răng nào gây đau (thường chỉ xác định được 1 khu vực đau chung chung).

Nếu vẫn tiếp tục để bệnh phát triển mà không điều trị thì tủy răng sẽ chết và từ bệnh sâu răng, viêm tủy răng sẽ phát sinh ra các biến chứng như viêm quanh cuống răng, rụng răng, viêm xương, viêm hạch... nhiều trường hợp gây ra tử vong.

Vôi hóa tuyến nước bọt

Bệnh thường do canxi có trong nước bọt lắng đọng quanh khối viêm lâu dần tạo thành sỏi. Viên sỏi này nằm chắn ngay tuyến nước bọt, khi người bệnh ăn, nhai làm tuyến nước bọt bị kích thích và sưng phồng. Nước bọt không thoát ra được nên chèn ép gây đau. Sau khi ăn, nước bọt tiết ra miệng từ từ, vì vậy tuyến nước bọt sẽ xẹp xuống. Chính vì vậy, nhiều bệnh nhân chủ quan cho rằng bệnh đã tự hết hoặc không nguy hiểm. Đến khi viên sỏi quá lớn, bít cả tuyến nước bọt, gây sưng phồng và đau nhiều họ mới chịu đến thầy thuốc.

Các bác sĩ đánh giá đây là dạng bệnh khá phổ biến trong dân chúng vì người dân chưa quan tâm đến vệ sinh răng miệng và không có thói quen khám răng định kỳ. Việc phẫu thuật lấy sỏi đơn giản, không có nhiều biến chứng. Nhưng nếu sỏi lớn buộc bác sĩ phải cắt luôn cả tuyến nước bọt, để lại sẹo phía ngoài khuôn mặt. Bên cạnh đó chức năng tiết nước bọt bị giảm, gây ảnh hưởng đến quá trình ăn nhai và việc tiêu hóa.

Nha chu

Ngoài việc phá hủy các mô nâng đỡ răng, làm tiêu xương ổ răng, lệch răng, gãy răng nha chu còn gây hôi miệng. Nha chu còn gây biến chứng như làm đau vùng thái dương, gây khó khăn cho bệnh nhân trong việc ăn uống, dễ dẫn đến đau dạ dày.

Có thể nhận biết nha chu khi có các triệu chứng sau:

- Chảy máu răng khi đánh răng.

- Nướu đỏ, sưng, tách ra khỏi răng.

- Hơi thở hôi dai dẳng.

- Có ổ mủ hoặc có mủ chảy ra ở giữa răng và nước.

- Răng lung lay khi nhai.

Khi bị viêm nướu, bệnh nhân thường ngại đau, không vệ sinh răng miệng kỹ càng tạo điều kiện cho bệnh nha chu phát triển. Đây là một sai lầm. Các bác sĩ cho biết vệ sinh răng miệng là bước cơ bản quyết định sự thành công trong việc ngăn ngừa và điều trị nha chu. Vì vậy khi bị viêm, sưng, nóng, đỏ, đau mà chưa có sự can thiệp của nha sĩ, bệnh nhân vẫn phải vệ sinh răng miệng kỹ để tẩy sạch các mảng bám. Nha chu không tác động trực tiếp lên răng như bệnh sâu răng nên mọi người không thấy được bệnh ở giai đoạn đầu. Vì thế ngay cả những người đánh răng nhiều lần trong ngày mà không đúng cách cũng có nguy cơ mắc bệnh này. Những người hút thuốc lá, người già, người bị tiểu đường rất dễ mắc bệnh nha chu. Đặc biệt phụ nữ vào thời kỳ dậy thì, lúc hành kinh, mang thai hay mãn kinh có nguy cơ mắc bệnh nha chu cao do cơ thể có sự xáo trộn nội tiết tố, làm tăng sinh mao mạch.

Theo Nông thôn ngày nay