![]() |
Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống. |
"Ông Cúm bà Co” hay xảy ra vào mùa đông; dịch tả vào mùa hạ; cơn loét tá tràng vào mùa thu. Rối loạn tâm thần thường bộc phát lúc trăng tròn; thấp khớp trầm trọng hơn khi ẩm thấp.
Cổ nhân tin rằng, thời tiết ảnh hưởng đến sự thụ thai, quá trình mang thai, khi sinh nở và cả cuộc đời. Hải Thượng Lãn Ông từng viết:
“Thời tiết biến đổi là thường
Nhưng ta phải biết đề phòng mới yên
Mùa xuân kiêng gió trước tiên
Mùa hè nắng nóng lại xen mưa rào
Mùa thu sương xuống hanh hao
Mùa đông gió rét khi nào khỏi mưa"
Vì thế, nếu ta biết "thích nghi khí hậu của trời" thì "âm dương hòa hợp trong ngoài sẽ yên”.
Thời tiết gồm sáu thành phần gọi là “Lục Dâm” có ảnh hưởng tới sức khỏe. Đó là phong - gió, hàn - lạnh, thử - nắng, thấp - ẩm ướt, táo -khô hanh, hỏa - nóng. Đôi khi tà khí xâm nhập cơ thể nhưng chưa phát bệnh ngay mà ẩn nấp đâu đó chờ lúc sức khỏe suy yếu mới gây bệnh.
Thấp hại da thịt, gân mạch. Hàn nhiều thì nhức xương, rút gân. Tà phong được coi như độc nhất. Gió độc vào người qua da trước rồi vào bắp thịt, kim mạch, cuối cùng vào phủ tạng và lan tràn rất nhanh, nhanh hơn gió mưa. Con người đang khỏe mạnh, gặp thời tiết thay đổi hoặc gặp cơn gió độc là bị đau ốm. Các cụ gọi là “trúng gió” hoặc “trái gió giở giời”.
Sách Nội kinh Trung Hoa có ghi: Ba tháng mùa xuân là mùa dương khí sinh sôi, mọi vật đều tốt, sáng ngủ dậy sớm, kẻo không thì thương tổn tạng gan. Ba tháng mùa hạ thì cỏ cây rậm tốt, muôn vật đơm bông kết trái, sáng ngủ dậy sớm, không chán ngày dài, khiến cho tình thương nới rộng, không đáp ứng thì tổn thương tạng tâm. Mùa thu khí trời khí đất quang minh, ngủ sớm dậy sớm, thức một lượt với gà, khiến cho phần khí an ninh; làm trái ngược thì thương tổn tạng phổi. Mùa đông ngủ sớm thức trễ, phải chờ có ánh nắng mới thức, tránh lạnh gần ấm, đừng để da thịt trầy trụa khiến cho phần khí bị hao hớt; nếu không thì tạng thận bị tổn thương.
Hippocrates và một số học giả đã bác bỏ ý nghĩ cho rằng bệnh tật là do thần linh, bùa ngải gây ra. Ông nhấn mạnh rằng “hầu hết mọi bệnh tật có đặc tính riêng và đều do một vài yếu tố từ bên ngoài gây ra”.
Trong những năm gần đây, nghiên cứu do Tổ chức Y tế Thế giới và các quốc gia như Mỹ, Pháp, Đức... đều cho rằng sự thay đổi thời tiết có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp lên sức khỏe con người.
Trong đời sống hằng ngày, ta thấy nhiều người rất nhạy cảm với thay đổi đột ngột của thời tiết. Mỗi mùa đông, dịch cúm xuất hiện; mùa xuân thì có bệnh dị ứng ngứa mắt, hắt hơi; mùa nóng có dịch tả tháo dạ...
Khí hậu trị liệu Climatotherapy chữa bệnh với hỗ trợ của khí hậu từng vùng cũng đã được áp dụng từ lâu. Bệnh nhân lao phổi được đưa ra phơi nắng hoặc đưa lên miền núi để mau lành. Lý do là trên độ cao, không khí ít hơi ẩm, nhiều ôxy, nắng ấm giúp sản xuất nhiều sinh tố D khi phơi da dưới nắng. Miền biển thường được giới thiệu cho bệnh kinh niên như viêm phế quản, thấp khớp vì khí biển có nhiều muối khoáng sodium, iodine.
Đáp ứng của cơ thể với thay đổi thời tiết
Cơ thể có những phản ứng khác nhau với thay đổi thời tiết tùy theo tuổi tác, tình trạng sức khỏe, nam hay nữ và địa phương sinh sống. Con người khi sinh ra đã được tạo hóa gắn cho một hệ thống rất tinh vi để điều hòa và giữ nhiệt độ trong cơ thể bình thường trước những thay đổi đột ngột từ xung quanh hay từ trong cơ thể. Hệ thống này được sự phối hợp của bộ phận hypothalamus trong não bộ và của cơ thịt.
Khi thời tiết nóng, nhiệt độ trong cơ thể lên cao. Để giảm thân nhiệt, cơ thể thường đổ mồ hôi, đồng thời các mạch máu ngoại vi mở rộng, mồ hôi bốc hơi, phân tán nhiệt. Nhưng nếu mồ hôi mất nhiều quá mà không được bù đắp thì ta có thể xỉu, bất tỉnh vì mất nước, giảm máu lưu thông tới các cơ quan, nhất là hệ thần kinh.
Hơi lạnh làm bắp thịt run run co duỗi liên hồi để sinh ra hơi nóng, mạch máu co hẹp lại để giữ nhiệt. Do đó, dù có thay đổi thời tiết bên ngoài nhưng nhiệt độ trong người được giữ ở mức bình thường. Nhưng khi mạch máu co, huyết áp lên cao thì trái tim phải bóp mạnh hơn để chuyển máu đi nuôi cơ thể. Một trái tim đã yếu mà lại phải làm việc nhiều hơn thì chắc sẽ tổn thương thêm và nếu sự kiện kéo dài thì tim sẽ không hoạt động hữu hiệu được.
Ra ngoài gió hoặc ngồi trước quạt, ta thấy mát. Có ít nhất hai giải thích: gió làm giảm hiệu năng giữ nhiệt của lớp không khí dưới da và làm độ ẩm trên da bốc hơi mau. Bốc hơi làm nhiệt độ cơ thể giảm xuống.
Áp suất không khí giảm cũng có ảnh hưởng. Chẳng hạn khi ta ngồi trên máy bay cất cánh thì các khoảng trống trong cơ thể nở ra, các mô bào bị căng khiến ta thấy đau cơ bắp, xương khớp.
(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)
▪ Thuốc xịt ngừa thai (10/07/2005)
▪ Cơn khóc co thắt ruột ở trẻ sơ sinh (09/07/2005)
▪ Ăn để tránh stress (09/07/2005)
▪ Kháng sinh có chữa được viêm xoang? (09/07/2005)
▪ Cây trúc đào (09/07/2005)
▪ Ho và khó thở (10/07/2005)
▪ Những yếu tố ảnh hưởng đến tinh trùng (10/07/2005)
▪ TP HCM chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm (09/07/2005)
▪ Chứng gầy bệnh lý (09/07/2005)
▪ Một số bệnh lý đặc thù của nam giới (09/07/2005)