Phục linh là loại nấm mọc ký sinh hay hoại sinh trên rễ cây thông, nằm sâu dưới mặt đất 20-30 cm. Đây là một vị thuốc rất quý hiếm, có khả năng phục hồi cơ thể suy nhược, chữa di mộng tinh, phù thũng, nôn mửa...
Nấm phục linh có mặt ngoài vỏ màu nâu đen, sần sùi, có khi nổi bướu, mặt cắt lổn nhổn chứa chất bột. Loại có mặt cắt màu trắng gọi là bạch phục linh hay bạch linh; loại hồng xám là xích phục linh hay xích linh; loại có rễ thông xuyên vào giữa gọi là phục thần.
Phục linh được phát hiện lần đầu tiên ở Đà Lạt (Lâm Đồng). Sau đó, có tài liệu cho biết đã tìm thấy phục linh ở các khu rừng thông thuộc tỉnh Hà Giang, Thanh Hóa, Gia Lai. Người ta thu hoạch phục linh quanh năm, nhưng tốt nhất vào mùa thu.
Phục linh đã được nghiên cứu dược lý và thể hiện tác dụng lợi tiểu rõ rệt với phần vỏ ngoài (phục linh bì) mạnh hơn phần ruột (đã loại bỏ vỏ). Acid pachymic trong loại nấm này có khả năng chống nôn. Nước sắc phục linh có tác dụng ức chế sự phát triển của các vi khuẩn staphylococcus aureus, bacillus subtilis.
Phục linh là vị thuốc thông dụng trong y học cổ truyền, vị ngọt nhạt, tính bình, không độc, có tác dụng bổ tỳ, lợi tiểu, làm se, chữa suy nhược, di mộng tinh, phù thũng, bụng đầy trướng, tiêu chảy, nôn mửa. Liều dùng hằng ngày 10-20 g dưới dạng thuốc sắc, thuốc bột hoặc thuốc viên. Thường dùng phối hợp với các vị thuốc khác trong những trường hợp sau:
Chữa suy nhược cơ thể kèm tiêu chảy kéo dài: Phục linh, đẳng sâm, bạch truật mỗi thứ 10 g; trần bì, bán hạ chế mỗi thứ 5 g; mộc hương, sa nhân mỗi vị 4 g, chích cam thảo 3 g. Tất cả phơi khô, tán nhỏ, rây bột mịn, trộn với nước gừng làm thành viên bằng hạt đỗ xanh. Ngày uống 4-8 g.
Chữa suy nhược tinh thần, hay sợ hãi, mất ngủ, mệt mỏi, kém ăn: Phục thần, đẳng sâm, hạt sen, long nhãn, đại táo mỗi vị 10 g; táo nhân (sao vàng), viễn chí, thạch xương bồ mỗi vị 8 g. Tất cả phơi khô, tán bột rây mịn, trộn với mật ong làm thành viên. Ngày dùng 12-20 g.
Chữa phù thũng, bụng trướng, chân tay nề: Phục linh bì, vỏ quýt lâu năm, vỏ quả cau, vỏ rễ dâu, vỏ gừng sống mỗi thứ 10 g. Có thể thêm vỏ cây dướng và mộc thông (cùng liều). Tất cả thái mỏng, phơi khô, sắc với 400 ml nước còn 100 ml, uống làm hai lần trong ngày (Nam dược thần hiệu).
Chữa phù ở phụ nữ có thai, sắc mặt xám, tim hồi hộp, đầy bụng: Phục linh, bạch truật, bạch thược, phụ tử chế mỗi thứ 12 g; sinh khương 8 g. Sắc uống ngày một thang.
Chữa nôn mửa ở phụ nữ có thai: Phục linh 10 g, bán hạ chế 8 g, sinh khương 3 g. Sắc uống trong ngày.
Chữa yếu tim, khó ngủ, ngủ không yên, hay hồi hộp, giảm trí nhớ: Phục thần, bạch truật, hoàng kỳ mỗi vị 12 g; đương quy, đảng sâm, long nhãn mỗi vị 8 g; viễn chí, táo nhân sao, cam thảo nướng mỗi vị 4 g; mộc hương 2 g. Tán thành bột mịn, luyện với mật làm viên. Ngày dùng hai lần, mỗi lần 20 g. Có thể sắc uống.
Chú ý: Người đi tiểu quá nhiều không được dùng phục linh.
DS Hữu Bảo, Sức Khỏe & Đời Sống
▪ Thuốc xịt ngừa thai (10/07/2005)
▪ Cơn khóc co thắt ruột ở trẻ sơ sinh (09/07/2005)
▪ Ăn để tránh stress (09/07/2005)
▪ Kháng sinh có chữa được viêm xoang? (09/07/2005)
▪ Cây trúc đào (09/07/2005)
▪ Ho và khó thở (10/07/2005)
▪ Những yếu tố ảnh hưởng đến tinh trùng (10/07/2005)
▪ TP HCM chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm (09/07/2005)
▪ Chứng gầy bệnh lý (09/07/2005)
▪ Một số bệnh lý đặc thù của nam giới (09/07/2005)