Cục Y tế dự phòng và môi trường Việt Nam cũng chính thức xác nhận đã có 2 ca mắc cúm A/H5N1 đầu tiên ở người trong năm nay, tại xã Điền Trung, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa. Đồng thời, dịch cúm gia cầm đã bùng phát trở lại tại Thái Nguyên và Thanh Hóa.
Tính từ trường hợp mắc cúm đầu tiên ở người vào tháng 12/2003, đến nay Việt Nam có 108 ca mắc cúm A/H5N1, trong đó 53 ca đã tử vong. Bộ NN&PTNT cũng đề nghị các địa phương tăng cường công tác chống dịch cúm gia cầm.
Là địa bàn tiêu thụ nhiều gia cầm, đặc biệt là trong dịp Tết, UBND TPHCM vừa chỉ đạo các sở ngành, quận huyện tăng cường phòng, chống dịch cúm gia cầm. Để công tác phòng chống hiệu quả, UBND các quận, huyện phải tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm tại địa phương.
Đồng thời giám sát tình hình dịch tễ trên địa bàn, không để xảy ra tình trạng kinh doanh gia cầm sống trái phép. Riêng Sở NN&PTNT và các sở, ngành liên quan phải phối hợp với chính quyền địa phương các cấp kiểm soát chặt chẽ tình hình vận chuyển, giết mổ, kinh doanh gia cầm trên địa bàn.
Đặc biệt, Sở Y tế phải chủ trì đoàn liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm kiểm tra tình hình hoạt động của các cơ sở chế biến tại các khu công nghiệp, bếp ăn tập thể... Sở Công thương phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình kinh doanh gia cầm sống tại các khu vực giáp ranh giữa các quận, huyện trong thành phố.
Đối với các bến xe, Ban Quản lý bến phải thông báo cho chủ phương tiện vận tải công cộng chấp hành nghiêm việc không vận chuyển gia cầm sống, sản phẩm gia cầm trái phép từ các tỉnh về thành phố. Công an thành phố phải cử lực lượng phối hợp với đoàn liên ngành trong việc kiểm tra, phát hiện, xử lý các đối tượng kinh doanh gia cầm sống trái phép, chặn kiểm tra các trường hợp nghi ngờ vận chuyển gia cầm sống trên các phương tiện vận tải hành khách...
Theo Giadinh.net