Các biểu hiện chính của ngộ độc rượu
Giảm và mất khả năng vận động tự chủ như không cầm được bát đũa, rót nước ra ngoài... muộn hơn là người uống rượu không điều khiển được hành vi, nói líu lưỡi, gọi nhầm tên người... Sau khi uống quá nhiều, người uống không thể đi lại được, mất cân bằng cơ thể, không tự ngồi được.
Khi cơ thể không còn chuyển hóa được, rượu uống vào sẽ bị nôn ra. Nhiều trường hợp người uống rơi vào hôn mê, mất tri thức, gọi hỏi không biết, mất các phản xạ, đặc biệt hay gặp hiện tượng này ở người mới uống rượu hay ít uống mà lại uống quá nhiều. Những trường hợp ngộ độc quá nặng, rượu sẽ ức chế trung tâm hô hấp và gây ngừng thở. Người uống có thể nguy hiểm tới tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời.
Tuy nhiên trong thực tế, người uống rượu đến viện ngoài những biểu hiện của ngộ độc rượu còn có những biến chứng khác nữa. Thường gặp là sau khi say rượu bị ngã, bị va đập vào những vật cứng gây sang chấn. Đã có những trường hợp bị vỡ tạng đặc hay chảy máu não và tử vong. Cần đặc biệt chú ý với người có tuổi hay bệnh lý tim mạch, say rượu thường che lấp những triệu chứng của tai biến tim mạch như xuất huyết não, nhồi máu cơ tim. Vì vậy nếu xử trí ngộ độc rượu tốt mà bệnh nhân không tỉnh phải tìm ngay nguyên nhân sọ não.
Khi say rượu, ngoài mất các giác quan và phản xạ, người say rượu còn dễ bị viêm phổi do lạnh hay sặc chất nôn. Đây là lý do làm người bệnh phải nằm viện điều trị dài ngày và rất tốn kém.
Ngoài các biểu hiện ngộ độc rượu cấp tính như trên, những người uống rượu bia kéo dài còn có nguy cơ bị ngộ độc mạn tính.
Ngộ độc rượu mạn tính
Thường thấy nhất là sự thay đổi hành vi thái độ. Người uống thường cáu bẳn hay vui vẻ quá mức. Chất lượng công việc giảm sút, hay quên. Chăm sóc gia đình bê trễ, dễ xúc động. Lâu dài, người bệnh bỏ cả thói quen chăm sóc bản thân, ăn mặc lôi thôi, lười tắm giặt. Muộn hơn là suy giảm trí tuệ, rối loạn tâm thần.
Bên cạnh các biến chứng tâm thần kinh, rượu còn làm thương tổn các cơ quan khác. Viêm loét đường tiêu hóa như dạ dày, ruột, thực quản rất hay gặp. Cơ quan dễ bị tổn hại nhất là gan. Uống càng nhiều, càng lâu ngày thì tỷ lệ viêm gan, xơ gan càng tăng lên. Muộn hơn là khả năng bị mắc ung thư của người nghiện rượu tăng cao hơn rất nhiều so với người không uống rượu.
Xử trí ngộ độc rượu thế nào?
Tuyệt đối không uống rượu khi đói. Khi say rượu, tìm cách gây nôn hết, sau đó xát mạnh hai bên má. Cho uống một cốc sữa nóng, trà đặc. Cởi khuy áo cổ, tháo thắt lưng và đặt nằm nơi thoáng mát (tránh gió lùa). Tư thế nằm úp xuống giường, hai tay xuôi ra sau, mặt nghiêng về bên trái. Nếu có biểu hiện co giật, thở không đều, ngã chảy máu tai, mắt, loạn nhịp tim phải đưa đến bệnh viện cấp cứu ngay.
Tại bệnh viện: Xét nghiệm kiểm tra các thông số sinh tồn. Cho bệnh nhân nằm tư thế an toàn, làm thông thoáng đường hô hấp, cho thở ôxy nếu cần, chống hạ đường huyết, chống toan chuyển hóa. Rửa dạ dày bằng than hoạt tính hoặc muối kiềm. Hỗ trợ tim mạch, ổn định huyết động. Chú ý phát hiện các biến chứng do say rượu.
|