Nguy cơ nhiễm HIV từ phơi nhiễm nghề nghiệp
Các Website khác - 05/01/2006
Tại hội nghị Khoa học toàn quốc về phòng, chống HIV/AIDS vừa được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, một báo cáo về đánh giá "Nhu cầu đào tạo dự phòng phơi nhiễm nghề nghiệp đối với HIV ở các trường đại học y trong nước", do dự án Lifegap và Trường đại học Y Hà Nội nghiên cứu được coi là đề tài nóng bỏng cần áp dụng vào thực tiễn.
Nghiên cứu nhằm xác định nhu cầu đào tạo về dự phòng phơi nhiễm nghề nghiệp HIV cho giảng viên và sinh viên tại tám trường đại học y trong nước, bằng nghiên cứu định tĩnh và định lượng, kết quả thu được chỉ rõ: Nhu cầu đào tạo về dự phòng phơi nhiễm nghề nghiệp HIV/AIDS ở cán bộ giảng dạy cũng như sinh viên là cao. Hiện tại, thời lượng đào tạo về vấn đề này ở mức thấp và không đồng đều, giáo trình được lồng ghép trong sách giáo khoa của các môn học khác nhau. Kiến thức, nhận thức cơ bản về HIV cũng như dự phòng phơi nhiễm nghề nghiệp chưa cao (dưới 50% ở phần lớn các chỉ số nghiên cứu). Nguy cơ phơi nhiễm nghề nghiệp cao 60%, trong khi thực hành đúng về dự phòng phơi nhiễm thấp (10-40%), nhất là điều trị dự phòng sau phơi nhiễm rất thấp (2%-4%).

PGS, TS Lưu Thị Minh Châu, Giám đốc Dự án Lifegap cho biết: Tại Mỹ 57 cán bộ y tế là công tác chuyển đảo huyết thanh bị nhiễm HIV do phơi nhiễm nghề nghiệp, trong đó phần lớn là y tá, điều dưỡng viên và nhân viên phòng xét nghiệm. Trường hợp nhiễm HIV đầu tiên ở Việt Nam được phát hiện vào tháng 12-1990, đến nay đã phát hiện hơn 100 nghìn người, số người nhiễm tăng lên nhanh chóng trong khoảng thời gian từ ba đến năm năm trở lại đây. Tình hình dịch HIV tại Việt Nam cho thấy, cán bộ y tế có nguy cơ phơi nhiễm HIV cao.

Tại Việt Nam, hằng năm có hàng chục trường hợp nhân viên y tế bị phơi nhiễm với HIV trong khi chăm sóc người bệnh như bị kim tiêm, kim khâu đâm vào tay, bị dao mổ làm rách da, bị máu bắn vào niệm mắt. Trong năm 2005, có hơn 100 cán bộ y tế tại Bệnh viện Bạch Mai đã bị tai nạn nghề nghiệp phơi nhiễm với HIV. Tính đến cuối năm 2003, cả nước có 389 cán bộ phơi nhiễm nghề nghiệp với HIV. Việc đào tạo về phơi nhiễm nghề nghiệp cho cán bộ y tế với HIV/AIDS còn hạn chế. Nhiều bệnh viện trung tâm y tế còn thiếu các hướng dẫn về tiệt trùng khử khuẩn, nếu có thì cũng chưa được cán bộ y tế tuân thủ và thực hiện nghiêm túc.

Việc giảng dạy về HIV/AIDS nói chung và về dự phòng phơi nhiễm với HIV nói riêng trong các trường đại học còn nhiều hạn chế, đang gặp nhiều khó khăn và chưa được chú trọng. Do đó, đào tạo về dự phòng phơi nhiễm nghề nghiệp HIV/AIDS cho giảng viên và sinh viên trong các trường đại học y ở Việt Nam cũng như xây dựng một giáo trình cập nhật là cấp bách.

Ðể xây dựng chương trình đào tạo phù hợp, theo các chuyên gia tham gia nghiên cứu, trước hết cần tiến hành đánh giá nhu cầu đào tạo của sinh viên trong các trường đại học y và cán bộ giảng dạy. Từ đó, đánh giá, xác định nhu cầu đào tạo về dự phòng phơi nhiễm nghề nghiệp HIV cho giảng viên, sinh viên Y khoa được tiến hành với các mục tiêu sau: mô tả thực trạng đào tạo về HIV/AIDS cho sinh viên và cán bộ giảng dạy tại tám trường đại học y trên toàn quốc, đánh giá kiến thức và thực hành về dự phòng phơi nhiễm nghề nghiệp HIV của sinh viên và cán bộ giảng dạy. Ðồng thời, khảo sát nguy cơ phơi nhiễm nghề nghiệp HIV và các biện pháp xử lý của sinh viên y khoa và cán bộ giảng dạy sau phơi nhiễm.

Bác sĩ Nguyễn Lân Việt, giảng viên Trường đại học Y Hà Nội cho biết: Ðối tượng nghiên cứu của đề tài gồm 803 sinh viên Y6 của các trường đại học y trên toàn quốc, 238 cán bộ giảng dạy các bộ môn liên quan, cán bộ quản lý và cán bộ y vụ tại bệnh viện. Trong số 803 sinh viên, có 795 sinh viên trả lời được học về HIV/AIDS, tuy nhiên chỉ có khoảng hai phần ba sinh viên y trả lời rằng, họ được học về dự phòng phổ cập và khoảng 40% được học về dự phòng và điều trị phơi nhiễm HIV nghề nghiệp. Kết quả trên cho thấy, chương trình giảng dạy về HIV/AIDS không đồng đều ở các trường, thời lượng 4-15 tiết học. Ðào tạo lại cho cán bộ giảng dạy còn hạn chế. Chỉ có khoảng một nửa số cán bộ giảng dạy được tập huấn về HIV/AIDS kể từ khi tốt nghiệp đại học. Tỷ lệ cán bộ giảng dạy được tập huấn lại về HIV/AIDS trong năm qua tương đối thấp (12,28%), trong số này chỉ có 27,6% được tập huấn về dự phòng phơi nhiễm nghề nghiệp HIV/AIDS với thời gian tập huấn trung bình là 4,8 ngày. Về kiến thức thực hành của cán bộ giảng dạy và sinh viên về dự phòng phơi nhiễm nghề nghiệp HIV cho thấy: Tỷ lệ các trường hợp nhiễm HIV/AIDS được báo cáo ở Việt Nam liên quan đến tiêm chích ma túy là 50-70%, nguy cơ nhiễm HIV qua một lần quan hệ tình dục khác giới mà không dùng bao cao-su với một người nhiễm HIV là hơn 0,5%. Nguy cơ nhiễm HIV qua một lần dùng chung bơm kim tiêm với 1 người nhiễm HIV là dưới 1%, nguy cơ nhiễm HIV của một đứa trẻ sinh ra từ mẹ bị nhiễm HIV không được điều trị dự phòng lây truyền từ mẹ sang con là 25-40%.

Thực trạng trên cho thấy, nhu cầu đào tạo về phơi nhiễm ở các trường đại học y là cấp thiết. Do vậy cần nhanh chóng biên soạn bộ tài liệu giảng dạy và áp dụng chương trình giảng dạy thống nhất trên tất cả các trường đại học y. Ðối tượng tham gia có thể cho tất cả cán bộ giảng dạy chuyên môn của trường, thời lượng thích hợp là 24 tiết học, sinh viên y khoa có thể tham gia học năm thứ hai.

HÀ HƯƠNG