![]() |
Siêu âm thai giúp chẩn đoán thai to. |
Một số trẻ có cân nặng quá lớn so với tuổi thai. Khác với giai đoạn sau khi ra đời, hoóc môn tăng trưởng không có ý nghĩa gì đối với việc giúp bé lớn lên trong bụng mẹ. Nguyên nhân thực sự chính là tình trạng tăng đường huyết.
Việc điều hòa tăng trưởng của bào thai khác với giai đoạn sau sinh. Hoóc môn tăng trưởng và hoóc môn giáp không có ý nghĩa trong việc phát triển bào thai. Ngược lại, insuline có tác dụng này. Trẻ lớn cân thường do tình trạng tăng insuline máu ở bào thai, hậu quả từ việc tăng đường huyết của mẹ. Tương tự, trẻ lớn cân còn gặp trong hội chứng Beckwith-wiedeman hoặc u tuyến tụy (hiếm gặp).
Nên nghĩ đến hội chứng Beckwith-wiedeman khi trẻ có biểu hiện lớn cân, lớn các tạng, bất thường ở tai, thoát vị rốn, có bệnh tim mạch hoặc phì đại nửa người.
Còn nếu lớn cân do mẹ bị tiểu đường, trẻ thường bị lớn các tạng như gan, lách và tim, phì đại vách liên thất (thường tương ứng với nồng độ insuline bào thai). Ngay cả khi tình trạng tiểu đường được kiểm soát hoàn hảo, mức độ trẻ lớn cân chỉ giảm chứ không biến mất.
Những đứa trẻ nói trên có nhiều nguy cơ bị rối loạn chuyển hóa (hạ đường huyết, hạ canxi huyết), tăng bilirubine, đa hồng cầu và tắc tĩnh mạch thận. Hạ đường huyết xuất hiện rất sớm trong những giờ đầu sau sinh. Do đó, cần theo dõi chặt chẽ đường huyết trong những ngày đầu và cho ăn sớm, chia nhiều cữ hoặc nuôi ăn liên tục. Nên nuôi các trẻ này bằng sữa mẹ. Có thể bổ sung dextrine-maltose và/hoặc triglyceride chuỗi trung bình, tùy thuộc vào đường huyết.
Hạ canxi huyết thường xuất hiện khoảng 48-72 giờ sau sinh, do rối loạn tiết hoóc môn tuyến cận giáp hoặc rối loạn chuyển hóa vitamin D. Thường hạ canxi huyết chỉ xuất hiện thoáng qua và tự điều chỉnh, nhưng đôi lúc cũng cần có sự can thiệp. Để phòng ngừa, có thể cho người mẹ uống vitamine D với liều cao hơn so với liều bổ sung bình thường (2000 UI/ngày) trong 5 ngày đầu sau sinh.
Các nguy cơ khác gồm: hạ magiê huyết (gặp ở khoảng 30% số trẻ lớn cân), sang chấn sản khoa (gãy xương đòn, liệt đám rối thần kinh cánh tay, xuất huyết trong não thất), hội chứng suy hô hấp cấp do bệnh màng trong (có thể gặp ở cả trẻ đủ tháng do insuline ức chế việc tổng hợp surfactant - chất chống xẹp phổi).
Ngoài ra, trẻ lớn cân còn dễ gặp các dị dạng bẩm sinh phối hợp như niệu quản đôi, bệnh tim bẩm sinh, thiểu sản đại tràng... Ở những trẻ có mẹ bị tiểu đường, nguy cơ này tăng gấp 4 lần so với bình thường. Thời điểm dễ gây dị tật bẩm sinh là tuần thứ 3-6 của thai kỳ. Tần suất dị tật bẩm sinh không giảm dù tiểu đường được theo dõi chặt chẽ trong thai kỳ. Các bà mẹ bị tiểu đường loại không phụ thuộc insuline thì không tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh ở con.
Để phòng ngừa, cần theo dõi tốt tình trạng đái tháo đường của mẹ trong thai kỳ. Khi theo dõi thai kỳ, phải ước tính trọng lượng của thai để tiên liệu thời điểm và cách sinh, tránh các tai biến sản khoa do thai to. Có thể cho sản phụ sinh sớm 2-3 tuần so với ngày sinh dự đoán. Tuy nhiên, cần thận trọng với nguy cơ suy hô hấp do bệnh màng trong cho trẻ.
(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)
▪ Nghèo dễ mắc bệnh thần kinh (14/03/2005)
▪ Trung Quốc lần đầu thử nghiệm văcxin AIDS trên người (14/03/2005)
▪ Thuốc Nam chữa viêm mũi dị ứng (14/03/2005)
▪ Dầu cá chống viêm (14/03/2005)
▪ Cân nặng của trẻ cũng do di truyền? (13/03/2005)
▪ Hạ mỡ máu và giảm béo bằng dược thảo (13/03/2005)
▪ Nghiên cứu bệnh nhiễm trùng thường gặp tại VN (13/03/2005)
▪ Cẩn thận khi dùng gan, trứng cá lạ! (14/03/2005)
▪ Cá có mỡ giúp giảm chứng viêm khớp (14/03/2005)
▪ Phụ nữ có thai mắc bệnh Rubella: Sẩy thai, sinh non (14/03/2005)