Những khám nghiệm cần thiết cho bệnh nhân đái tháo đường
Các Website khác - 03/01/2006
Bệnh đái tháo đường đặc trưng bởi tình trạng tăng đường máu mạn tính gây biến chứng lên nhiều cơ quan như mắt, thận, thần kinh, tim mạch... Bệnh nhân cần thường xuyên khám mắt, thần kinh và tim mạch.
Khám mắt thường xuyên

Bệnh võng mạc do đái tháo đường là nguyên nhân gây mù hàng đầu ở người lớn từ 20-74 tuổi. Tại thời điểm mới được chẩn đoán đã có từ 10-20% số người mắc đái tháo đường týp 2 có bệnh lý võng mạc do đái tháo đường. Sau 20 năm mắc bệnh, hầu hết bệnh nhân đái tháo đường typ 1 và khoảng 60% bệnh nhân đái tháo đường týp 2 có bệnh lý võng mạc do đái tháo đường. Điều trị sớm và tích cực bệnh đái tháo đường có thể giảm được từ 62-86% nguy cơ bệnh lý võng mạc do đái tháo đường ở bệnh nhân đái tháo đường tye 1 và giảm được 25% biến chứng mạch máu nhỏ ở bệnh nhân đái tháo đường týp 2.

Bệnh không có triệu chứng ở giai đoạn đầu, ngay cả khi thị lực vẫn còn bình thường hoặc không có biểu hiện gì đặc biệt khi soi gương không có nghĩa là mắt vẫn còn "bình thường", do vậy các khám mắt cần phải thực hiện đều đặn 6-12 tháng/lần tại các cơ sở chuyên khoa chăm sóc bệnh nhân đái tháo đường.

Khám thận - tiết niệu

Bệnh thận do đái tháo đường được biểu hiện bằng sự có mặt của protein trong nước tiểu. Khoảng 20-30% số bệnh nhân đái tháo đường có bệnh lý thận do đái tháo đường.

Xác định bệnh nhân có bệnh thận do đái tháo đường nếu 2 trong 3 lần định lượng protein niệu trong vòng 3-6 tháng có kết quả bất thường (vì mức bài tiết albumin có thể thay đổi tới 40% từ ngày này qua ngày khác, do đó cần làm xét nghiệm nhiều lần trước khi kết luận).

Khám thần kinh

Bệnh thần kinh do đái tháo đường gặp khá phổ biến, ước tính chừng 30% bệnh nhân có biểu hiện biến chứng này. 7,5% bệnh nhân đái tháo đường mới được chẩn đoán đã có bệnh thần kinh do đái tháo đường, sau 25 năm mắc bệnh có khoảng 50% số bệnh nhân đái tháo đường có biểu hiện bệnh lý thần kinh do đái tháo đường.

Khám tim mạch

Phần lớn bệnh nhân đái tháo đường tàn phế hoặc tử vong do biến chứng hệ tim-mạch như nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, suy tim. Bệnh nhân đái tháo đường có nguy cơ mắc bệnh tim-mạch cao hơn người không đái tháo đường 2-4 lần. Nhồi máu cơ tim ở người đái tháo đường nguy hiểm hơn người bình thường vì có thể không có triệu chứng báo hiệu trước ở giai đoạn sớm. Do đó bệnh nhân đái tháo đường cần lưu ý đo điện tim ít nhất sau mỗi 6-12 tháng nhằm phát hiện sớm bệnh thiếu máu cơ tim để có kế hoạch điều trị lâu dài.

Định lượng HbA1c

Tỷ lệ đường glucose trong máu gắn kết với hemôglobin trong hồng cầu là chỉ số phản ánh gián tiếp đường huyết trung bình của 2-3 tháng trước đó. Để kiểm tra đường máu trung bình này người ta làm xét nghiệm HbA1c tại các phòng xét nghiệm chuyên khoa tại bệnh viện. Giá trị HbA1c rất có ích trong việc khẳng định các kết quả theo dõi đường huyết: nếu giảm được 1% HbA1c sẽ làm giảm được 35% nguy cơ biến chứng mạch máu nhỏ do bệnh đái tháo đường như biến chứng mắt, thận, thần kinh.

Thạc sĩ - bác sĩ NGUYỄN TOÀN
Theo Theo Sức khỏe đời sống