Những kiểu nhậu nguy hại
Các Website khác - 08/01/2009

 Sau thuốc lá, rượu đang là vấn đề thời sự của y học thế giới, bởi hằng năm trên toàn cầu người ta sử dụng gần 150 tỉ lít bia và gần 15 tỉ lít rượu. Tính bình quân mỗi người uống khoảng 15 lít bia, rượu/năm.

Nhậu với đủ thứ bia rượu không có lợi cho sức khỏe - Ảnh: T.T.D

Rượu là chất được hấp thu rất nhanh, 90% qua màng ruột mà không cần tiêu hóa như các thức ăn khác nên tác dụng có ngay chỉ 10 phút sau khi uống, và đạt đỉnh cao trong máu chỉ sau 40-60 phút.

“Uống nhanh” kiểu nốc một hơi đến cạn ly như các bợm nhậu là nguy hiểm. Tại Anh, “uống nhanh” được định nghĩa là uống một lượng rượu mạnh tối đa trong thời gian ngắn nhất gây ngộ độc chết người và họ đã đưa thành luật: một buổi tối chủ quán bán cho một người uống năm ly rượu mạnh mà không ngưng thì phạt đóng cửa tiệm.

“Uống nhanh”, chết nhanh

Khi uống vào nhanh hơn vận tốc phân hủy tại gan thì nồng độ rượu trong máu sẽ tăng cao, đồng thời lượng tích tụ tại gan cũng tăng dần dẫn đến tổn thương tế bào gan, gây xơ gan hoặc làm gan thoái hóa mỡ. Đó là nền tảng cho suy gan và ung thư gan phát triển. Chính vì lý do này mà thói quen của người Pháp mỗi khi ăn tiệc có uống rượu thường kéo dài, trước đây bị chỉ trích nhưng nay được coi là cách giảm tác hại của rượu, miễn là không uống quá nhiều.

Do rượu được hấp thu qua màng ruột nên uống nhiều sẽ làm màng ruột bị hư, gây thoái hóa, dễ dẫn đến ung thư đường tiêu hóa.

Phụ nữ có thai mà nghiện rượu thì con sinh ra sẽ bị chậm phát triển tâm thần, thường bị rối loạn tâm sinh lý, có những biến dạng nhất định ở cơ thể, đặc biệt trẻ có gương mặt “bệnh bào thai do rượu”, lừ đừ, thường 2-3 tuổi mới phát hiện.

Tùy nồng độ của rượu trong máu mà có các tác dụng khác nhau. Khi nồng độ 0,05g/100ml máu: cảm thấy bớt bị ức chế và tăng khả năng giao tiếp. Khi nồng độ tăng lên đến 0,10g/100ml bắt đầu lè nhè. Từ 0,40g/100ml trở lên bắt đầu lơ mơ và khi nồng độ đạt tới mức 0,50g/100ml sẽ rơi vào hôn mê, còn 0,60g/100ml trở lên thì người uống sẽ bị liệt các cơ hô hấp và tử vong. Do vậy hiện nay tại nhiều nước trên thế giới người ta ấn định nồng độ rượu tối đa trong máu cho phép để lái xe là 0,08 - 0,10g/100ml máu.

Không thêm thức gì vào rượu

Nguy cơ là gần đây có nhiều ca ngộ độc rượu dù uống ít cũng chết. Tại sao? Có người nói pha một chút mật gấu, máu rắn vào bia tươi, ngâm tinh hoàn các con vật… vào rượu uống vô “sung” dễ sợ. Đây là điều cực kỳ nguy hiểm, vì các chất này ngấm trực tiếp vào máu, lên não như được tiêm chích và có thể gây ngộ độc càng nhanh.

Lịch sử đã chứng minh: năm 1900 một vụ ngộ độc hàng loạt xảy ra cho cư dân thành phố Manchester (Anh) với hơn 6.000 nạn nhân, trong đó trên 70 người chết chỉ vì uống bia có pha thêm arsenic cho trong hơn. Triệu chứng lâm sàng khi mổ tử thi cho thấy nguyên nhân tử vong là suy tim, trong khi nồng độ arsenic rất thấp - chỉ bằng 1/10 liều mà các bác sĩ lúc đó vẫn dùng để chữa động kinh. Thế tại sao lại gây ngộ độc? Đó là vì rượu đã có tác động trên tất cả mô của cơ thể con người khiến họ dễ bị ngộ độc hơn đến 100 lần.

Năm 1965, một vụ ngộ độc khác do uống bia lại xảy ra cùng lúc tại Mỹ, Canada, Đức, Bỉ chỉ vì người ta đã thêm vào bia một chất cho sủi bọt nhiều hơn là cobalt chloride - hóa chất thường được sử dụng để bào chế thuốc bổ máu vào lúc đó.

Từ hai kinh nghiệm chết người này, người ta đã khuyến cáo không được cho bất cứ chất lạ nào vào rượu khi uống và cũng không được uống rượu cùng lúc với các thuốc chữa bệnh, vì sẽ có khả năng làm thay đổi tính chất cũng như tác dụng của các loại thuốc này đối với cơ thể, đặc biệt là các loại thuốc ngủ hoặc thuốc chống dị ứng. Tại VN cũng đã ghi nhận các vụ ngộ độc chết người tương tự.

Bia, rượu nho ngừa bệnh

Rượu nho hoặc bia nếu được uống điều độ 10-40g hoặc một lon bia mỗi ngày lại có những lợi ích rõ rệt trong việc ngăn ngừa các bệnh dưới đây.

Bệnh tim mạch: với cơ chế làm tăng cholesterol có lợi HDL và làm giảm cholesterol có hại LDL, đồng thời phân hủy nhanh các chất làm hư hại thành mạch như homocystein, nhờ vậy ngừa được chứng xơ vữa động mạch vành và thuyên tắc mạch, kể cả mạch máu ngoại biên.

Bệnh thoái hóa: rượu nho và bia có thể làm ngăn ngừa quá trình lão hóa nhanh nhờ tác dụng của các chất phenolic có trong rượu vang đỏ và chất phytooestrogene có trong bia (chất này còn có tác dụng ngừa loãng xương). Các chất này cũng ức chế các chất trung gian hóa học có hại được cơ thể bài tiết - đặc biệt khi bị stress. Đây là tác dụng chống oxy hóa, giúp ngăn ngừa quá trình lão hóa.

Ngừa một số bệnh ung thư nhờ các chất phenolic kể trên.

Theo Tuoi Tre Online