Phát hiện mới về bệnh Sars: Dơi có thể là nguồn phát tán virus
Các Website khác - 30/09/2005
Virus gây bệnh Sars
nhìn dưới kính hiển vi
Các nhà khoa học vừa tìm thấy một loại virus có liên quan mật thiết tới virus corona gây bệnh Sars trên cơ thể những con dơi tai to tại ba vùng của Trung Quốc. Trên tờ tạp chí Khoa học (Science), các nhà khoa học đã cho biết loại virus này có thể phải lây nhiễm sang một động vật khác thí dụ như con cầy hương trước khi truyền sang người.
Dịch Sars (Hội chứng Viêm đường hô hấp cấp) đã bùng nổ trong hai năm 2002-2003 làm 770 người chết, và thiệt hại về kinh tế do nó gây ra lên tới hàng tỷ USD và những khu vực bị thiệt hại kéo dài từ trung tâm Đông Á với gốc bùng phát là miền nam Trung Quốc, cho tới tận Canada. Khi đó, các trường học và doanh nghiệp bị đóng cửa, việc buôn bán và du lịch quốc tế bị hạn chế. Thậm chí, nó đã bị coi là đại dịch chết người lớn trên toàn cầu trước khi ngành y tế tìm ra được biện pháp khống chế.

Tuy nhiên, nguồn gốc bùng phát căn bệnh là từ đâu? Hồi tháng 5-2003, những giả thuyết ban đầu cho rằng virus đã lây nhiễm sang người từ loài cầy hương, một loài động vật được ưa chuộng trong các cửa hàng đặc sản và được làm thịt ngay tại các khu chợ động vật sống ở miền nam Trung Quốc. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xác nhận về sự liên hệ này vào đầu năm 2004, và thông báo này đã dẫn tới việc các nhà chức trách Trung Quốc giết, tiêu hủy khoảng 10 nghìn con cầy hương, cũng như các loài động vật khác bị nghi là có mang virus gây bệnh Sars, thí dụ như con lửng và gấu trúc Mỹ.


Loài dơi Rhinolophus.

Tuy nhiên, trong giới khoa học lại có ý kiến cho rằng cầy hương không phải là nguồn phát dịch gốc, nơi mang virus hay là nguồn lây bệnh. Một đầu mối của giả thuyết này là loài cầy hương có hệ miễn dịch rất kém, và thường bị ốm rất nặng, trong khi những loài vật mang nguồn bệnh trong một thời gian dài thường thích nghi với những nguồn bệnh này. Vậy thì virus Sars, còn được gọi là Sars-CoV từ đâu tới?

Một giả thuyết khác lại quy cho loài chim. Nhưng hồi đầu tháng này, các nhà khoa học tại Đại học Hồng Công đã phát hiện ra rằng có thể loài dơi chính là thủ phạm. Trong một loài dơi sống tại Hồng Công, các nhà khoa học đã tìm ra được một loại virus có liên quan gần gũi tới những virus mà người ta tìm thấy trên cơ thể các bệnh nhân Sars.

Sau đó, các nhà khoa học từ nhiều nước như Trung Quốc, Australia, Mỹ đã hợp tác chặt chẽ và đưa ra kết quả rõ ràng hơn. Họ đã phát hiện được một loại virus dạng virus Sars trong ba chủng dơi sống tại Trung Quốc lục địa. Bà Zhengli Shi, một nhà khoa học thuộc Viện Động vật học (Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc) nói: "Những virus mà chúng tôi tìm thấy giống virus Sars ở người đến 92%. Chúng tôi hiện chưa biết rõ tại sao nó lại ở trên cơ thể dơi, tại sao nó chỉ lây nhiễm vào những loài nhất định. Đó là điều mà chúng tôi muốn thảo luận".

Cả ba loài dơi mà nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Shi tìm thấy loại virus SL-Cov này, đều là những con dơi tai to có tên khoa học là Rhinolophus, cũng giống như loại dơi được nghiên cứu tại trường ĐH Hồng Công.

Các phân tích gene đã cho thấy rằng các virus dạng corona mà nhóm nghiên cứu của ĐH Hồng Công và nhóm nghiên cứu quốc tế tìm thấy đều tương tự như nhau, và cả hai đều có liên quan gần gũi với những dạng virus Sars trên người và cầy hương. Những khác biệt chính về gene giữa những virus này liên quan đến sự kết hợp các phần tử virus và tế bào chủ. Bà Zhengli Shi nói: "Chúng tôi chắc chắn một điều là loại virus này không thể lây sang người".

Một trong những câu hỏi lớn được đặt ra là làm thế nào mà virus có thể nhảy từ dơi sang người - và liệu trên những cơ thể trung gian, thí dụ như cầy hương, virus này có thể thay đổi theo hướng mà nó có thể lây nhiễm sang người hay không?


Dơi bán ở các khu chợ Trung Quốc.

Ông Peter Daszak, Giám đốc Tổ hợp Bảo tồn Y khoa New York, người cũng tham gia vào cuộc nghiên cứu nói: "Hiện tại, chúng tôi vẫn chưa biết được. Nhưng chúng tôi có thể làm một sự so sánh với những virus khác. Thí dụ, chúng tôi chưa biết được nguồn gốc của virus Ebola, nhưng dường như nó xuất hiện ở loài tinh tinh trước, rồi sau đó lây sang người. Còn virus Nipah, xuất hiện ở Malaysia trong khoảng từ năm 1989 đến 1999, chúng tôi tin rằng loài dơi ăn quả là nguồn gốc phát dịch, tuy nhiên virus này lại được lây qua lợn trước khi truyền vào cơ thể người". Bởi vậy, loài cầy hương rất có thể sẽ chỉ là một "vật chủ trung gian" của bệnh Sars.

Ông nói: "Tại khu vực Đông Á, chúng ta cần phải đối mặt với những hành vi có nguy cơ cao. Và trong tình huống này, việc đưa những loài vật này ra bán ở chợ, ăn thịt chúng hay sử dụng làm thuốc là một hành vi như vậy".

Người phát ngôn của WHO, ông Dick Thompson cho biết: "Chúng tôi coi đây là một mảnh nữa trong trò chơi ghép hình Sars. Hiện vẫn còn những chương trình nghiên cứu về Sars chưa kết thúc, và rõ ràng là chúng ta cần phải tìm hiểu nhiều hơn về môi trường phát sinh bệnh dịch". Nhóm các nhà khoa học Trung Quốc có kế hoạch sẽ nghiên cứu kỹ hơn đường lây truyền của virus. Bà Zhengli Shi nói: "Chúng tôi sẽ thay đổi một vài chuỗi amino-acid trong những virus đã được nhận diện để xem chúng có thể lây sang người hay không".

Việc xác nhận loài dơi tai to là nguồn phát sinh bệnh dịch Sars có thể sẽ kéo theo những thay đổi về chính sách và hướng nghiên cứu sức khỏe cộng đồng trong tương lai. Ông Peter Daszak nói: "Loài dơi này phân bố rộng rãi tại châu Âu và châu Á. Và điều chúng ta cần phải nhanh chóng tìm hiểu là sự phân bố của virus dạng corona trong những con dơi này. Ở mức độ rộng hơn, chúng ta cần phải giám sát thế giới động vật hoang dã để phát hiện những thay đổi về môi trường, hành vi của con người và nhân khẩu có khả năng sẽ dẫn tới những đại dịch bởi hầu hết những đại dịch mới phát sinh gần đây đều là do sự thay đổi trong việc sử dụng đất".

Ông cũng cho rằng cần phải cấm bán trên thị trường loại dơi tai to này, bởi những chứng cứ cho thấy chúng đã mang theo virus corona từ hàng nghìn, thậm chí hàng triệu năm. Và mới chỉ gần đây chúng mới phát sinh ra diện rộng, và những hành vi của con người đã giúp tạo ra sự thay đổi này.

Theo Theo BBC