Phòng, chống bệnh loãng xương
Các Website khác - 29/12/2005
Loãng xương là bệnh chiếm tỷ lệ rất cao ở người già (gần 100% số người hơn 80 tuổi bị loãng xương). Đây là tình trạng xương giảm trọng lượng, mất khoáng chất, trở nên xốp, giòn và dễ gãy. Nguyên nhân chính là tuổi già, giảm nội tiết tố sinh dục, thiếu calci, ít vận động...
Trong những năm gần đây, nhờ tiến bộ về khoa học, y tế, kinh tế tuổi thọ con người tăng lên đáng kể, từ đó cũng xuất hiện nhiều căn bệnh thường gặp ở người cao tuổi như tim mạch, tăng huyết áp, ung thư, thoái hóa khớp, loãng xương...

Loãng xương là một trong những vấn đề được quan tâm nhiều trên thế giới, vì bệnh chiếm tỷ lệ rất cao ở người già (gần 100% số người hơn 80 tuổi bị loãng xương). Loãng xương là tình trạng xương giảm trọng lượng, mất khoáng chất, trở nên xốp, giòn và dễ gãy. Nguyên nhân chính của tình trạng loãng xương là tuổi già, giảm nội tiết tố sinh dục, thiếu calci, ít vận động...

Theo các nghiên cứu cho thấy, ở mỗi người chất xương tích tụ đạt ngưỡng cao nhất ở khoảng 25 tuổi và duy trì ổn định trong khoảng mười năm sau đó. Ở khoảng tuổi này, cần phải có chế độ sinh hoạt, vận động hợp lý, tránh các thói quen xấu như uống nhiều rượu, bia, hút thuốc lá và các chất gây nghiện. Ðồng thời, phải có chế độ dinh dưỡng bảo đảm cung cấp đủ prô-tê-in, khoáng chất, nhất là calci... Nếu không mọi người đều có thể bị loãng xương. Giáo sư Trần Ngọc Ân, Chủ tịch Hội Thấp khớp học Việt Nam khẳng định: Nếu không tích trữ đủ calci khi còn trẻ, lúc về già nguy cơ loãng xương tăng lên đáng kể. Bệnh loãng xương diễn biến chậm, người bệnh thường không phát hiện được mình đang bị bệnh cho đến khi bị biến chứng gãy xương. Mức độ tác động nguy hiểm của loãng xương đến sức khỏe con người được xếp ngang hàng với bệnh nhồi máu cơ tim và đột quỵ.

Ðiều trị loãng xương rất tốn kém, nhất là điều trị gãy cổ xương đùi. Biến chứng nặng nhất của loãng xương có thể làm cho từ 10 đến 20% số người bệnh chết trong vòng 12 tháng; 20% số người bệnh phải có người trợ giúp suốt đời; 30% số người bị tàn phế phải phụ thuộc hoàn toàn vào người khác; khoảng 30% người bệnh có thể hòa nhập trở lại với cuộc sống, nhưng khả năng tái gãy xương cao.

Ðể ngăn ngừa và hạn chế những tác hại của bệnh loãng xương, mọi người cần phải nâng cao kiến thức về căn bệnh này và có chế độ dinh dưỡng đầy đủ và tập luyện thể thao thường xuyên là cách phòng, chống hiệu quả nhất. Cần có chế độ ăn đầy đủ calci theo nhu cầu của từng lứa tuổi, nhất là những giai đoạn sinh lý đăc biệt: dậy thì, giai đoạn phụ nữ mãn kinh, người cao tuổi, phụ nữ mang thai, cho con bú.

Các nghiên cứu khoa học cho thấy: nhu cầu calci của trẻ em từ một đến 11 tháng tuổi là 300 - 400 mg/ngày, từ một đến ba tuổi là 500 mg/ngày, từ bốn đến sáu tuổi là 600 mg/ngày, từ bảy đến chín tuổi là 700 mg/ngày, từ mười đến mười tám tuổi là 1.300 mg/ngày, người trưởng thành và phụ nữ cho con bú là 1.000 mg/ngày, phụ nữ mang thai và người già (hơn 50 tuổi) là 1.200 mg/ngày.

Hiện nay sữa và các chế phẩm từ sữa (sữa chua, pho-mat) là thức ăn thuận tiện và giàu calci. Nên dùng sữa gầy là sữa có hàm lượng chất béo thấp, không có đường và muối là nguồn calci rất tốt cho những người quan tâm việc duy trì cân nặng và giảm cholesteron trong máu. Cứ 250 ml sữa hay 200 gam sữa chua cung cấp 130 đến 300 mg calci; các loại rau đậu có hơn 60 mg calci trong 100 gam. Ngoài ra các thực phẩm giàu calci như: tôm, cua, cá, mà tốt nhất là tôm, cá, cua kho nhừ, ăn cả xương là nguồn calci hữu cơ tốt nhất giúp cơ thể hấp thụ và sử dụng được.

TRUNG HIẾU