Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống. |
Viêm họng do virus rất hay gặp trong mùa lạnh, thường kết hợp với viêm kết mạc mắt, xuất hiện ở các nhà trẻ và có thể gây thành dịch.
Viêm họng thường bắt đầu đột ngột với các dấu hiệu như đau họng, sốt, nuốt vướng và đôi khi nuốt đau lên tai, toàn trạng khó chịu và mỏi mệt. Khám thấy họng viêm đỏ hoặc amiđan to lên. Sờ góc hàm và máng cảnh phía trên thấy hạch cổ to lên và đau. Tùy theo hình ảnh lâm sàng mà phân ra các loại viêm họng đỏ, viêm họng bựa, viêm họng giả mạc và viêm họng loét.
Viêm họng đỏ và viêm họng bựa thường gặp nhất và hay kết hợp với nhau. Niêm mạc đỏ đồng đều, kết hợp với chất bựa trắng ngà không dính, nằm trên mặt của amiđan, tạo thành các mảng trắng biệt lập hoặc xen lẫn với nhau. Nhưng hầu hết các mảng trắng này đứng biệt lập, ta còn gọi là viêm amiđan cấp tính.
Viêm họng loét chỉ chiếm khoảng 5% và thường là một bên. Khám thấy một vết loét trên mặt amiđan được bao phủ bằng lớp bựa dày, còn gọi là viêm họng vinceut, thường gặp ở những người trẻ tuổi. Toàn trạng mệt mỏi mặc dù sốt không cao. Sờ vào amiđan thấy mềm. Nếu thấy loét họng hoại tử hai bên, phải làm tủy đồ để loại trừ bệnh ung thư máu và bệnh mất bạch cầu hạt. Trường hợp viêm loét amiđan kéo dài ở những người nghiện rượu - thuốc lá, cần nghĩ tới ung thư amiđan.
Viêm họng giả mạc chỉ chiếm 2-3% nhưng cần phải cảnh giác vì nó có thể là viêm họng bạch hầu, một bệnh nặng. Trong trường hợp này, bệnh nhân nhợt nhạt, sốt trên 38,5 độ C; giả mạc có màu trắng ánh xà cừ, dày, lan rộng và rất dính vào niêm mạc của amiđan và họng. Có khi giả mạc lan xuống thanh khí quản, nhất là ở trẻ nhỏ, gây cản trở đường thở làm trẻ khó thở, suy hô hấp.
Viêm họng do liên cầu gây nhiều biến chứng, nhưng hay gặp nhất là thấp khớp cấp và viêm cầu thận. Ngoài những biến chứng xa như thấp tim, viêm họng do liên cầu còn gây viêm tấy, áp-xe quanh amiđan, hoặc viêm tế bào vùng cổ lan rộng.
Viêm họng do virus cũng rất hay gặp. Hầu hết các trường hợp viêm họng do virus đều có thể tự khỏi trong vòng 4-5 ngày (nếu không có bội nhiễm vi khuẩn). Bệnh hay kết hợp với viêm kết mạc mắt, rất hay gặp ở các nhà trẻ và có thể gây thành dịch.
Về điều trị, nếu là viêm họng do virus thông thường, không có bội nhiễm thì không cần dùng kháng sinh. Nếu do liên cầu khuẩn, cần điều trị tích cực bằng kháng sinh và theo dõi biến chứng như thấp tim.
Hầu hết viêm họng do nhiễm khuẩn đều có tiến triển tốt nếu dùng kháng sinh thích hợp, đủ liều, đủ thời gian. Nếu không điều trị hoặc điều trị không đúng, chúng có thể gây các biến chứng cấp như áp-xe quanh amiđan, áp xe thành sau họng, có thể trở thành viêm họng mạn tính. Nếu các viêm mạn tính ở amiđan có các đợt bộc phát gần nhau (trên 4 lần/năm), điều trị bảo tồn tại chỗ và toàn thân không kết quả, có thể phải tiến hành phẫu thuật như cắt bỏ amiđan.
BS. Trần Mạnh Toàn, Sức Khỏe & Đời Sống
▪ Thuốc xịt ngừa thai (10/07/2005)
▪ Cơn khóc co thắt ruột ở trẻ sơ sinh (09/07/2005)
▪ Ăn để tránh stress (09/07/2005)
▪ Kháng sinh có chữa được viêm xoang? (09/07/2005)
▪ Cây trúc đào (09/07/2005)
▪ Ho và khó thở (10/07/2005)
▪ Những yếu tố ảnh hưởng đến tinh trùng (10/07/2005)
▪ TP HCM chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm (09/07/2005)
▪ Chứng gầy bệnh lý (09/07/2005)
▪ Một số bệnh lý đặc thù của nam giới (09/07/2005)