Phù chân voi do giun chỉ
Các Website khác - 05/10/2005
Bệnh phù chân voi.
Bệnh phù chân voi do ấu trùng giun chỉ xâm nhập vào cơ thể, khu trú trong các xoang bạch huyết. Bệnh nhân sẽ bị sốt, nổi hạch.

Muỗi là thủ phạm chính

Vừa qua, Bệnh viện Triều An (TP Hồ Chí Minh) có tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn P.H. (sinh 1974) trong tình trạng sưng to ở hai cẳng - bàn chân. Năm 18 tuổi, bệnh nhân bị nổi một nốt đỏ giống như kiến cắn ở bàn chân bên phải, sau to ra, đường kính khoảng 0,5 cm. Nốt đỏ cứng, đau, sau đó lan sang chân phải. Từ đó đến nay những nốt đỏ lúc sưng, lúc xẹp và kèm sốt. Bệnh nhân đã được điều trị ở nhiều nơi với chẩn đoán phù chân voi, nhưng do chưa sử dụng đúng thuốc đặc trị nên bệnh không thuyên giảm.

Phù chân voi (chân phù to như chân voi) là bệnh gây bởi giun chỉ. Sự hiện diện của giun chỉ ở hệ lympho (hệ bạch huyết) gây ra trình trạng viêm tắc nghẽn hệ bạch huyết. Ấu trùng giun chỉ xâm nhập vào cơ thể người qua sự lây truyền bởi muỗi Culex fatigans và Anopheles hyrcanus (đây là căn bệnh khá phổ biến ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới).

Ước tính hiện đến nay có khoảng 115 triệu người bị bệnh. Giun chỉ trưởng thành trong các xoang bạch huyết và các hạch bạch huyết từ đó sản sinh ra ấu trùng. Muỗi sẽ hút ấu trùng (từ người bị nhiễm) để truyền sang người lành.

Sốt, viêm mạch lympho ở các chi - hãy coi chừng

Bệnh được hình thành qua ba giai đoạn. Giai đoạn ủ bệnh - lúc ấu trùng xâm nhập vào cơ thể đến khi giun trưởng thành. Giai đoạn này không có biểu hiện triệu chứng. Ở giai đoạn hai - giai đoạn khởi bệnh, bệnh nhân xuất hiện sốt, viêm mạch lâm-ba ở các chi, bìu dái, và nổi hạch.

Ở giai đoạn 3 - giai đoạn toàn phát, bệnh nhân bị tắc nghẽn các mạch lympho, ứ đọng dịch lympho ở chi trên, chi dưới, bìu dái… Nếu bị mãn tính bệnh nhân sẽ bị viêm nhiễm mạch lympho tái đi tái lại làm dày da, xơ cứng các mô dưới da. Việc phát hiện bệnh sớm để điều trị sẽ tránh được di chứng và không phải chỉ định điều trị bằng phẫu thuật, giảm sự tốn kém.

Chẩn đoán không khó nhưng cần công phu

Người ta có thể tìm giun chỉ trong máu, trong dịch hoàn, hay chọc dò hạch, xét nghiệm huyết thanh… Đối với phương pháp tìm giun chỉ trong máu thì thời gian lấy máu phải là lúc giữa đêm (từ 22 giờ trở đi).

Điều trị đặc hiệu với Diethylcarbamazine

Theo y khoa hiện tại, bệnh chân voi được điều trị hiệu quả với Diethylcarbamazine. Nếu bệnh ở giai đoạn muộn có những biến chứng thì cần can thiệp bằng phẫu thuật. Sau khi điều trị bằng Diethylcarbamazine. Tuy nhiên, ở Việt nam hiện nay việc điều trị bằng Diethylcarbamazine gặp khó khăn vì thuốc này không được nhập vào. Chính vì không có thuốc Diethylcarbamazine nên nhiều năm nay bệnh nhân H. chỉ được điều trị những triệu chứng bội nhiễm. Rất may cho bệnh nhân, các bác sĩ đã tra cứu thuốc và liên hệ với nước ngoài để tìm nguồn.

Qua thư điện tử, một tổ chức cho biết, tổ chức này có tặng Viện Ký sinh trùng học Việt Nam một số thuốc Diethylcarbamazine. Chỉ vài tuần sau khi điều trị bằng thuốc Diethylcarbamazine do Viện Ký sinh trùng học cung cấp miễn phí, bệnh nhân đã xuất viện trong tình trạng sức khỏe ổn định.

Hiện ở Viện Ký sinh trùng học Trung ương (quận Thanh Xuân, Hà Nội - ĐT: 04.8544 326) có thuốc Diethylcarbamazine để điều trị bệnh giun chỉ do dự án phòng chống bệnh LF của Tổ chức Y tế thế giới cung cấp. Tuy nhiên, dự án chỉ triển khai ở bốn tỉnh phía bắc nên các cơ sở điều trị có thể liên hệ với Viện Ký sinh trùng học Trung ương để được cung ứng thuốc.

Bác sĩ LÊ PHƯỚC HẢI
Theo Theo Sài Gòn giải phóng