Phương pháp mới tăng hiệu quả của thuốc Tamiflu
Các Website khác - 04/11/2005
Thuốc Tamiflu.

Các nhà khoa học Mỹ vừa tìm ra cách làm tăng gấp đôi hiệu lực của số thuốc Tamiflu dự trữ chống đại dịch cúm gia cầm hiện nay, bằng cách dùng kèm với một dược liệu khác có tác dụng hạn chế sự bài tiết thuốc này qua đường tiểu.

Tamiflu (oseltamivir phosphate) là loại thuốc trị cúm được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyên dùng. Tổ chức này cũng khuyến cáo rằng để có thể chống lại một đại dịch cúm bùng phát, các nước này cần dự trữ một lượng thuốc đủ để điều trị cho ít nhất 1/4 dân số. Tuy nhiên, mặc dù hãng dược phẩm Roche (Thụy Sĩ), công ty cung cấp thuốc duy nhất, đã tăng gấp bốn lần năng suất trong vòng hai năm qua, song lượng thuốc đang dự trữ hiện nay mới chỉ đủ dùng cho 2% dân số thế giới.

Trong bối cảnh này, tuần trước, ông Joe Howton, Giám đốc y khoa của Trung tâm y tế Adventist (Mỹ), đã đề xuất một phương án nhằm tăng gấp đôi nguồn cung cấp thuốc. Kỹ thuật này từng được phát minh trong Chiến tranh thế giới thứ hai nhằm mở rộng nguồn cung cấp thuốc penicillin khan hiếm lúc đó. Người ta phát hiện ra một dẫn xuất acid benzoic có tên là probenecid có thể ngăn không cho thận đào thải một số loại thuốc, trong đó có cả các chất kháng sinh, ra khỏi cơ thể.

Probenecid lại rất dễ sản xuất và hiện vẫn được dùng rộng rãi cùng với kháng sinh để điều trị bệnh lậu và giang mai, và trong phòng cấp cứu, khi mà bác sĩ muốn bệnh nhân có một lượng kháng sinh cao, ổn định trong máu.

Theo dữ liệu của hãng Roche, ông Howton thấy rằng, Tamiflu, cũng giống như penicillin, bị thận đào thải rất mạnh, và probenecid có thể hạn chế hoạt động này. Việc sử dụng thuốc chống cúm cùng với probenecid sẽ có thể tăng gấp đôi thời gian lưu lại trong máu của các thành phần hoạt tính trong Tamiflu, tăng gấp đôi nồng độ thuốc trong máu, và tăng khả năng hấp thu thuốc của bệnh nhân gấp 2,5 lần. Nói cách khác, người bệnh sẽ chỉ cần dùng một nửa lượng thuốc Tamiflu thông thường mà vẫn đạt được kết quả điều trị tương đương.

Roche từng công bố dữ liệu về probenecid vào năm 2002. Vậy ở thời điểm đó họ có tính đến khả năng trên không? Bà Martina Rupp, người phát ngôn của Roche cho rằng “dường như là không”. “Đó là một ý tưởng rất hay, nhưng chúng tôi không thể nói điều gì”, bà nói, đồng thời khẳng định rằng chưa có đầy đủ dữ liệu.

Đã có một số đề xuất về việc nghiên cứu tính an toàn liên quan đến probenecid và Tamiflu, mặc dù các bác sĩ cho rằng đã có đầy đủ các dữ liệu về việc sử dụng kết hợp hai loại thuốc, thậm chí còn không cần tới cả sự phê chuẩn của cơ quan quản lý. Ông Grattan Woodson, Trung tâm nghiên cứu Atlanta (Georgia, Mỹ), đã kê các đơn thuốc có probenecid hơn 25 năm nay. Ông nói: “Đây là một thực tế đã được xác minh và hoàn toàn có thể chấp nhận được”. Bác sĩ Peter Zed, một chuyên gia về thuốc cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Vancouver (Canada) cũng đồng ý với điều này. Ông đã công bố các nghiên cứu về sự an toàn của việc kết hợp probenecid với thuốc kháng sinh. “Chẳng có gì khác thường khi sử dụng kết hợp probenecid với Tamiflu”, ông nhấn mạnh.

Còn theo Michael Osterholm, Giám đốc Trung tâm Chính sách và Nghiên cứu bệnh lây nhiễm ở Minneapolis, nếu chỉ có probenecid sẽ không đủ để ngăn chặn một đại dịch cúm. Ông chỉ ra rằng hầu hết các ước tính lạc quan nhất về năng suất Tamiflu trong vòng năm năm tới cũng chỉ cung cấp đủ cho khoảng 7% dân số toàn cầu.

Osterholm cũng cho rằng việc đương đầu với một đại dịch đòi hỏi phải “triển khai một dự án Manhattan (dự án chế tạo bom nguyên tử của Mỹ) về sản xuất, đóng gói và phân phối thuốc chống cúm gia cầm với quy mô toàn cầu”. Đến khi đó, việc tăng gấp đôi số liều thuốc hiện có sẽ trở nên rất quan trọng trong việc điều trị nhanh cho người bệnh một khi đại dịch bùng phát.

S.K (theo Nature)