Phụ nữ Nhật sống thọ nhất thế giới. |
Đến cuối tháng 9, Nhật Bản sẽ có hơn 25.000 công dân trên 100 tuổi, so với con số 153 người cách đây 4 thập kỷ. Thống kê mới của Bộ Y tế Nhật Bản được xem là dẫn chứng 'hùng hồn' về tốc độ lão hóa ở xứ sở hoa anh đào.
Số liệu mà Bộ Y tế đưa ra đúng vào ngày lễ Tuổi già của Nhật hôm thứ hai cũng cho thấy sức ép về quỹ lương hưu và dịch vụ chăm sóc sức khỏe, sự thu nhỏ của lực lượng lao động và sự gia tăng số người nghỉ hưu. Con số 25.606 người Nhật sống trên 100 tuổi chứng tỏ cứ 5.000 người Nhật lại có 1 người trường thọ. Hơn 80% số này là phụ nữ. Như vậy, phụ nữ Nhật giữ kỷ lục thế giới về tuổi thọ trong suốt 20 năm.
Hiện nay, cụ bà nhiều tuổi nhất ở Nhật Bản là Yone Minagawa 112 tuổi, sống ở đảo Kyushu. Cụ sinh năm 1893, một mình nuôi 5 người con sau khi chồng mất. Cụ ông nhiều tuổi nhất là Nijiro Tokuda 110 tuổi, cũng là cư dân Kyushu.
Theo giới chuyên môn, nguyên nhân sống thọ là nhờ một loạt các yếu tố như chế độ dinh dưỡng, các tiêu chuẩn chăm sóc sức khỏe và cấu trúc gắn bó chặt chẽ giữa các cộng đồng làng xã. "Không ăn quá nhiều", cụ Noboru Fukushima 90 tuổi sống ở vùng Sugamo tiết lộ khi được hỏi về bí quyết sống lâu, "ăn vừa phải và nhai kỹ".
Tỷ lệ người dân trên 100 tuổi khác nhau ở nhiều vùng. Ví dụ ở đảo Okinawa, trong 10.000 người có 51 cụ, ở Tokyo là 20 và vùng Saitama là 9,8.
Bộ Y tế Nhật Bản cho biết sẽ chúc thọ cho 12.703 người tròn 100 tuổi trong năm nay, kèm theo quà biếu và lời chúc của Thủ tướng Junichiro Koizumi. Trong báo cáo của Bộ, bên cạnh những cụ đang nằm liệt giường còn có rất nhiều bậc cao niên năng động. Ví dụ cụ Ryuji Sasaki 99 tuổi vẫn cần mẫn làm vườn và cụ Takatomi Naito 100 tuổi đang chơi golf với vợ, môn thể thao mà cụ theo đuổi từ năm 68 tuổi.
Trong Cuốn Kỷ lục thế giới Guinness, bà Elizabeth Bolden 115 ở bang Tennessee (Mỹ) hiện nay là người thọ nhất.
Mỹ Linh (theo Reuters)
▪ Thuốc xịt ngừa thai (10/07/2005)
▪ Cơn khóc co thắt ruột ở trẻ sơ sinh (09/07/2005)
▪ Ăn để tránh stress (09/07/2005)
▪ Kháng sinh có chữa được viêm xoang? (09/07/2005)
▪ Cây trúc đào (09/07/2005)
▪ Ho và khó thở (10/07/2005)
▪ Những yếu tố ảnh hưởng đến tinh trùng (10/07/2005)
▪ TP HCM chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm (09/07/2005)
▪ Chứng gầy bệnh lý (09/07/2005)
▪ Một số bệnh lý đặc thù của nam giới (09/07/2005)