Sự thật về Vitamin
Các Website khác - 06/08/2008

Các vitamin có tác dụng củng cố phong độ của chúng ta, bảo vệ cơ thể trước các bệnh tật, cải thiện năng lực trí tuệ, mang lại sắc đẹp.

Tuy nhiên, để vitamin có thể hoàn thành những nhiệm vụ này, cần phải cung cấp chúng cho cơ thể cùng với thức ăn.

Ảnh chỉ mang tính minh họa
1. Bản thân cơ thể không tự tạo ra vitamin

Về nguyên tắc đúng là như vậy thế nhưng trong quy luật này cũng có trường hợp ngoại lệ. Dưới tác động của ánh nắng mặt trời, vitamin D có thể được tạo ra dưới da, còn vitamin K có thể được tạo ra do hoạt động của những vi khuẩn "tốt bụng" trong ruột non.

2. Vitamin có thể ngăn ngừa không ít bệnh, trong đó có những bệnh nguy hiểm như các bệnh về tim và ung thư.

Điều đó được nhiều nghiên cứu khẳng định. Thí dụ, 10mg vitamin B6 hằng ngày đủ để cải thiện trạng thái tình cảm và xoay sở có hiệu quả hơn với stress.

Trái lại các sản phẩm thuộc nhóm vitamin B được khuyến khích sử dụng đối với người hút thuốc lá vì lý do: chúng giúp họ giảm thiểu nguy cơ ung thư phổi.

Nhờ tính năng chống oxy hóa đặc biệt tích cực của mình (bảo vệ tế bào trước hoạt tính độc hại của các thành phần tự do), vitamin E được coi là một trong những nhân tố cơ bản bảo vệ tim và mao mạch.

Vitamin E cũng có tác dụng giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh ung thư đại tràng và cổ tử cung. Nhờ vitammin E, phụ nữ ít khổ sở hơn vì hội chứng căng thẳng trước mỗi kỳ "bẩn người".

Vitamin C nổi tiếng không chỉ giúp chúng ta chống đỡ có hiệu quả với bệnh cảm cúm, mà còn bảo vệ cơ thể trước những rắc rối với trái tim.

3. Mỗi người có nhu cầu vitamin một khác

Liều vitamin cụ thể cần thiết phụ thuộc không chỉ vào tuổi tác và giới tính mà còn tùy thuộc vào công việc mà đối tượng thực hiện vào thời điểm nào đó.

Chúng ta có nhu cầu một số vitamin lớn hơn trong thời gian: thực hiện chế độ dinh dưỡng giảm béo, bồi dưỡng sau ốm đau, khi khả năng đề kháng của cơ thể suy giảm, phụ nữ trong thời gian mang thai và nuôi con bú, khi sử dụng viên ngừa thai hoóc-môn, phụ nữ hết "tuổi hồi xuân" (cần liều vitamin D 10% nhiều hơn bình thường, bởi cơ thể hấp thụ kém).

4. Các vitamin tự nhiên chủ yếu có trong rau xanh và hoa quả

Đúng về nguyên tắc tuy nhiên, các vitamin nhóm B cũng có thể tìm thấy trong gan gia cầm, gạo; còn vitamin D có trong cá, sữa, trứng và các chế phẩm từ sữa.

5. Cơ thể hấp thụ một số vitamin tốt hơn khi đi kèm với chất béo, một số khác với nước.

Các nhà khoa học chia vitamin ra loại hòa tan trong nước và trong chất béo. Trong đó có vitamin A (và tiền vitamin A - caroten), D, E và K hòa tan nhanh trong chất béo. Những vitamin còn lại, tức vitamin C, vitamin thuộc nhóm B, vitamin PP và vitamin H thì hòa tan trong nước. Để cơ thể hấp thụ chúng tốt hơn, cần phải nhớ về đặc điểm này.

Nếu làm món dưa góp gồm những loại rau quả giàu vitamin A như cà rốt, hãy trọn thêm dầu oliu hoặc dầu thực vật. Khi uống nước ép cà rốt nên cho thêm một thìa cà phê dầu oliu. Nếu mua sữa, nên mua loại tối thiểu chứa 2% chất béo, bởi cơ thể không thể hấp thụ vitamin D từ sữa nghèo chất béo hơn.

Các vitamin hòa tan trong nước có trong phần giàu nước của thực phẩm (thí dụ như trong quả chanh, quả dâu tây, các loại rau xanh). Chúng kém bền vững vì thế với các món chế biến không nên nấu nướng quá kỹ và nên ăn rau và quả tươi.

6. Rau và hoa quả chế biến sẽ dễ mất vitamin

Nhiệt độ cao không thích hợp với các vitamin. Các loại rau khi đun nấu sẽ mất tối thiểu 75% lượng vitamin C (khi làm mứt hoặc dưa muối sẽ mất khoảng 35%).

Khi ngâm ủ rau và hoa quả chỉ mất tối đa 20-25% các vitamin, trái lại các loại muối khoáng và các thành phần vi lượng khác gần như vẫn giữ nguyên. Tuy nhiên, thời gian ngâm ủ không nên kéo dài hơn 3-4 tháng, bởi khi ấy có thể mất tới 75% lượng vitamin.

7. Cơ thể sẽ hấp thụ tốt hơn các vitamin một khi thực đơn bao gồm nhiều sản phẩm đa dạng

Đúng vậy, bởi hoạt động của một số vitamin và các thành phần khoáng chất đòi hỏi sự hiện diện của những "đối tượng" khác.

Khi chuẩn bị bữa ăn, đi kèm với các món chế biến từ thịt nhất thiết phải có thêm các món rau, quả giàu vitamin C (thí dụ cà chua, ớt, bắp cải...). Chúng cần thiết để cơ thể hấp thu chất sắt. Tuy nhiên không ăn kèm với dưa chuột tươi bởi nó chứa ascobina - hợp chất phân giải vitamin C.

Khi ăn các sản phẩm giàu vitamin A và E (thí dụ: gan lợn, gan gia cầm, pho ma), nên ăn kèm thêm rau xanh (sản phẩm giàu vitamin K).

Hãy kết hợp các sản phẩm có khả năng chống oxy hóa, bởi chúng bảo vệ lẫn nhau trước các thành phần tự do. Công thức kết hợp lý tưởng là: Vitamin C (sa-lát, ớt ngọt), vitamin E (dầu oliu), beta-caroter (cà rốt, cà chua) và salen, đồng kẽm (lạc, vừng, thịt nạc).

Khuê Minh
Theo ABC số 17/08