TP - Hôm qua, 3/9, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) đã mổ nội soi lấy đĩa đệm cột sống cho bệnh nhân Đinh Văn H. 40 tuổi ở Lý Nhân, Hà Nam.
Thông thường, sau ca mổ bệnh nhân có thể xuất viện ngay trong ngày. |
PGS.TS Nguyễn Văn Thạch – Phó Giám đốc bệnh viện cho biết, bệnh nhân bị tái phát thoát vị đĩa đệm đốt sống 3 – 4 đã bị vỡ và di dời trong ống cột sống. Nguyên nhân là cách đây 7 năm bệnh nhân đã được mổ mở tại một bệnh viện khác nhưng một thời gian sau bệnh tái phát và đau ngày càng nhiều. Cách đây 6 tháng, bệnh nhân bị đau dữ dội và đi lại khó khăn.
Bác sĩ Thạch cho biết, nếu tiến hành mổ mở hay các phương pháp khác sẽ rất khó khăn do vết mổ cũ bị tổn thương và dính nhiều, đồng thời khiến bệnh nhân tái phát nhanh hơn, cột sống kém vững chắc, gặp nhiều biến chứng lớn hơn ca mổ trước.
Ca mổ bắt đầu lúc 9 giờ 15 phút sáng 3/9. Các bác sĩ tạo một lỗ thông 5mm bên sườn bệnh nhân và đưa đường cáp quang nhỏ và một ống thông vào. Sau đó chụp toàn bộ các tổn thương xung quanh và đưa dụng cụ vào gỡ dính và lấy nhân đĩa đệm.
Trong cả quá trình thực hiện, bệnh nhân không bị chảy máu nhờ vào hệ thống đốt và cầm máu bằng sóng cao tần đi cùng kỹ thuật, đồng thời không bị tổn thương xung quanh.
Ca mổ kết thúc sau 40 phút. Thông thường ca mổ diễn ra khoảng 15 phút nhưng do đây là lần đầu tiên các bác sĩ Việt Nam thực hiện kỹ thuật mới này dưới sự hướng dẫn, chuyển giao công nghệ của các chuyên gia Đức nên thời gian kéo dài hơn.
Sau mổ bệnh nhân đã giảm đau rõ rệt và sức khoẻ gần như trở lại bình thường. Bác sĩ Thạch cho hay, kỹ thuật mới này có ưu điểm nổi bật là khi mổ, bác sĩ và bệnh nhân phối hợp với nhau nên hạn chế tối đa các tai biến do mổ thoát vị đĩa đệm.
Do là ca mổ đầu tiên nên bác sĩ yêu cầu bệnh nhân ở lại một ngày để theo dõi (thông thường bệnh nhân xuất viện trong ngày). Dự kiến trong ngày hôm nay (4/9) sẽ có 4 bệnh nhân khác từ 20 – 36 tuổi được mổ bằng kỹ thuật mới.
Đây là kỹ thuật mới lần đầu tiên áp dụng nên bệnh nhân chưa được chi trả bằng bảo hiểm. Thời gian tới bệnh viện sẽ đề nghị Bộ Y tế đưa kỹ thuật này vào triển khai đại trà và thực hiện chi trả bảo hiểm cho bệnh nhân. Dự kiến chi phí mỗi ca mổ khoảng hơn 10 triệu đồng.
Phẫu thuật nội soi không những chỉ lấy nhân thoát vị mà trong tương lai còn có thể ứng dụng phẫu thuật các bệnh lý khác như hẹp ống sống vùng lỗ liên hợp, ngách bên.
Phương pháp lấy đĩa đệm nội soi qua lỗ liên hợp được thế giới mô tả đầu tiên vào năm 1972 và được phát triển trở thành phương pháp khá phổ biến hiện nay trên thế giới.
Về mặt chỉ định, có thể áp dụng phẫu thuật nội soi cho các trường hợp thoát vị đĩa đệm thể lỗ liên hợp, thoát vị đĩa đệm thể ngoài lỗ liên hợp, thoát vị thể trung tâm lệch bên.
Hiện nay, với hệ thống nội soi mới nhất cho phép lấy được cả các thoát vị đã vỡ và di dời trong ống sống, điều mà trước kia mọi người nghĩ là chỉ có mổ mở mới giải quyết được. Bệnh nhân ra viện trong ngày và khỏi trên 90%.
Thái Hà
▪ Thuốc xịt ngừa thai (10/07/2005)
▪ Cơn khóc co thắt ruột ở trẻ sơ sinh (09/07/2005)
▪ Ăn để tránh stress (09/07/2005)
▪ Kháng sinh có chữa được viêm xoang? (09/07/2005)
▪ Cây trúc đào (09/07/2005)
▪ Ho và khó thở (10/07/2005)
▪ Những yếu tố ảnh hưởng đến tinh trùng (10/07/2005)
▪ TP HCM chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm (09/07/2005)
▪ Chứng gầy bệnh lý (09/07/2005)
▪ Một số bệnh lý đặc thù của nam giới (09/07/2005)