![]() |
Bác sĩ không thể hỏi han nhiều vì quá đông bệnh nhân đang chờ. |
Cô Lê Thanh ở quận 1 TP HCM bị cao huyết áp, bác sĩ dặn ăn nhạt. Nửa tháng sau, cô đến tái khám vì uống cả trăm viên thuốc nhưng bệnh vẫn còn. Bác sĩ hỏi: "Tôi dặn cô ăn nhạt mà sao huyết áp vẫn lên?". Thanh trả lời: "Em đâu có ăn mặn, món gì em cũng vắt chanh cho nhạt bớt mà!".
Bác sĩ chết điếng vì câu trả lời này. Thì ra, do trình độ khác nhau nên mỗi người hiểu mặn, nhạt theo cách riêng của mình. Ăn nhạt, với bác sĩ nói là bớt đi một lượng muối nạp vào cơ thể, còn bệnh nhân thì vẫn nêm nếm thức ăn như trước nhưng cho chanh vào để mất cảm giác mặn. Như vậy, chính sự hướng dẫn ngắn gọn có phần mơ hồ của bác sĩ đã làm cho bệnh nhân rơi vào tình huống vừa ăn không ngon vừa không thuyên giảm bệnh tình.
Còn anh Nguyễn Kim ở quận Gò Vấp được bác sĩ chẩn đoán bị bệnh gút và bảo kiêng ăn đạm. Về nhà ngay lập tức anh kiêng thịt, cá, tôm... Cơn đau lại có phần dữ dội hơn. Trong một buổi tham dự tư vấn sức khỏe, anh hỏi và được giải thích nguyên nhân: anh ngưng ăn đạm đột ngột nên cơ thể huy động đạm làm cho acid uric tăng cao gây đau nhiều hơn. Đáng lẽ phải giảm đạm từ từ song song với quá trình điều trị đến khi hàm lượng acid uric trong cơ thể bình thường. Trong trường hợp của anh Kim, bác sĩ nói quá ít dẫn đến thông tin thiếu chính xác.
Giáo sư Đặng Vạn Phước, Phó hiệu trưởng Đại học Y Dược TP HCM kể, có trường hợp người nhà bệnh nhân yêu cầu được dùng thuốc cực xịn, bác sĩ cho toa. Bệnh nhân uống được 5-6 lần thì hỏi khi nào hết bệnh. Hóa ra người bệnh tưởng chỉ cần uống thuốc một thời gian là khỏi chứ không biết là phải uống đến cuối đời. Chính sự hiểu biết không tới nơi tới chốn này đã khiến nhiều bệnh nhân bán đồ đạc trong nhà đi mua thuốc "cực xịn" để bệnh chóng khỏi. Nếu bác sĩ quan tâm đến bệnh nhân, hỏi thêm về tình hình kinh tế và dẫn giải thêm trước khi kê đơn thì không có chuyện đó xảy ra.
Hầu hết bệnh nhân đều có nhiều thắc mắc tuy thông thường nhưng không biết hỏi ai chỉ vì khi đi khám, bác sĩ không có thời gian nói với họ. Khi đến bệnh viện, họ phải xếp hàng rất lâu nhưng khi gặp bác sĩ thì chỉ được hỏi và trả lời dăm ba câu, sau đó là chờ ghi đơn, lấy thuốc. Người bệnh có điều chưa rõ cần hỏi, bác sĩ cũng chỉ trả lời qua loa, có muốn hỏi thêm cũng không được. Với số bệnh nhân quá đông, bác sĩ không có thời gian giải đáp cặn kẽ thắc mắc nên mới xảy ra chuyện bác sĩ nói đằng này, bệnh nhân nghĩ đàng khác như trên.
Được trình bày những điều thắc mắc đối với bác sĩ là quyền của người bệnh. Nhưng từ trước đến nay quyền này bị bỏ qua, dẫn đến nhiều trường hợp tự làm cho tình trạng bệnh trầm trọng hơn vì không am tường hết lời dặn của bác sĩ.
Bác sĩ Châu Ngọc Hoa, bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cho biết, trong chương trình khám và tư vấn miễn phí của bệnh viện với gần 1.700 người tham gia, 98% bệnh nhân cho biết rất mong có các chương trình tư vấn sức khỏe dù có thu phí. "Điều này cho thấy tình trạng đói thông tin là có thật. Thiếu và hiểu sai thông tin là nguyên nhân của sự phát hiện bệnh chậm trễ, không tuân thủ điều trị dẫn đến các biến chứng nặng nề gây ảnh hưởng đến cuộc sống người bệnh"- bác sĩ Hoa nói.
(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)
▪ Thuốc xịt ngừa thai (10/07/2005)
▪ Cơn khóc co thắt ruột ở trẻ sơ sinh (09/07/2005)
▪ Ăn để tránh stress (09/07/2005)
▪ Kháng sinh có chữa được viêm xoang? (09/07/2005)
▪ Cây trúc đào (09/07/2005)
▪ Ho và khó thở (10/07/2005)
▪ Những yếu tố ảnh hưởng đến tinh trùng (10/07/2005)
▪ TP HCM chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm (09/07/2005)
▪ Chứng gầy bệnh lý (09/07/2005)
▪ Một số bệnh lý đặc thù của nam giới (09/07/2005)