Thầy thuốc vùng cao
Các Website khác - 09/09/2005
Mạng lưới y tế cơ sở có vai trò quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe người dân, nhất là tại các tỉnh vùng cao, miền núi. Chúng tôi có dịp đến một số xã ở Sơn La, chứng kiến công việc hằng ngày của các thầy thuốc nơi đây, họ đang ngày đêm bám dân, lo cho sức khỏe từng gia đình, bản làng...
Ðâu cần, có cán bộ y tế

Với những người dân, nhất là các bà mẹ ở xã Vân Hồ (huyện Mộc Châu) không ai không biết đến cô nữ hộ sinh trẻ Tráng Thị Mai. Bất cứ lúc nào, đêm hôm, mưa gió, dù ở đâu, khi mọi người cần là chị đều có mặt. Chị là bà đỡ mát tay cho cả trăm ca mẹ tròn, con vuông. Ở vùng cao vẫn còn phong tục đẻ tại nhà, thì những ca đẻ khó rất cần sự trợ giúp của cán bộ y tế. Sự có mặt kịp thời của chị nhiều khi đã cứu sống tính mạng đứa trẻ, đôi khi cả bà mẹ.

Con đường từ thị xã Sơn La vào huyện Mường La dài hơn 40 km "ăn theo" công trình thủy điện Sơn La đã được cải tạo, nâng cấp, vì thế rút ngắn thời gian đi về từ một ngày xuống hai giờ đồng hồ! Chúng tôi đến xã Nặm Păm, khi đó là cuối giờ chiều, nhưng cả năm cán bộ của trạm là: y sĩ Lò Văn Hải, y sĩ Quàng Văn Thu, y tá Quàng Văn Dũng, y tá Lò Văn Bun và nữ hộ sinh Ðèo Thị Kiên vẫn có mặt ở trạm. Ngay phòng khám bệnh, nữ hộ sinh Ðèo Thị Kiên đang tiêm thuốc cho chị Quàng Thị Biến, nhà ở bản Chiềng Tè. Vừa tiêm xong, tôi hỏi chị Biến. Chị bị bệnh gì mà phải tiêm thuốc vậy?

- Mình bị đau tai mấy hôm không khỏi đến khám cán bộ y tế bảo bị viêm tai giữa và phải tiêm thuốc kháng sinh. Tiêm mấy lần rồi, bệnh đỡ nhiều đấy, sắp khỏi rồi.- Chị trả lời với vẻ phấn khởi.

- Vậy, tiêm thuốc có mất nhiều tiền không?

- Không - chị nói tiếp - không mất tiền đâu, hằng ngày chỉ đến tiêm thuốc là về nhà thôi. Mọi người đến đây khám, chữa bệnh cũng không phải trả tiền mà.

Y sĩ Lò Văn Hải (trưởng trạm) giải thích: Từ tháng 11-2003, trạm thực hiện khám, chữa bệnh theo quyết định 139 (khám, chữa bệnh cho người nghèo), cho nên không thu tiền của người bệnh. Mỗi ngày trạm thực hiện khám, chữa bệnh cho 20 đến 30 người, có hôm đến 40 người. Có người đi chợ qua, cũng tranh thủ vào trạm khám bệnh xin thuốc. Y sĩ Hải còn cho biết thêm, ngoài khám, chữa bệnh tại trạm, mỗi cán bộ ở đây đều được phân công phụ trách các bản, hằng tháng cán bộ xuống bản cùng nhân viên y tế thôn bản thực hiện tiêm vắc-xin phòng bệnh cho trẻ em, bà mẹ có thai; nắm tình hình dịch bệnh; hướng dẫn người dân thực hiện vệ sinh môi trường để phòng, chống dịch bệnh và nếu có người bị bệnh thì khám và phát thuốc điều trị.

Ngay trước mặt trạm là dãy núi Pu Sẻ sừng sững, quanh năm mây mù bao phủ. Vậy mà ở đó vẫn có hai bản của người Mông là bản Huẩy và bản Nong Bẩu. Tôi quay sang hỏi y tá Lò Văn Bun (người được giao phụ trách hai bản này): Ðường lên đó có dễ đi không? Ánh mắt vẫn hướng về phía bản mờ xa, giọng buồn buồn anh tâm sự: Ở đó, làm gì có đường. Ðường lên bản chỉ là những lối mòn quanh co, như những sợi chỉ bám vào sườn núi thôi. Mùa khô vào bản, đi nhanh cũng hết ba giờ đi bộ, còn mùa mưa thì lâu hơn nữa, có những đoạn đi gần như bò, phải bám vào những cây cỏ, nếu không dễ trượt ngã lắm. Nhưng, điều đó không lo bằng việc vừa đi vừa phải bảo quản vắc-xin, lên đến nơi bọn trẻ không ở nhà để mình tiêm (mặc dù đã được thông báo từ trước) vì phải theo cha, mẹ lên rẫy.

Phấn đấu dân ở đâu, y tế thôn bản ở đó

Trong số các huyện của Sơn La thì Mộc Châu là huyện có diện tích rộng nhất, với 27 xã, trong đó riêng xã Xuân Nha diện tích đã bằng cả tỉnh Bắc Ninh. Chính vì vậy ngoài việc phát triển y tế cơ sở (xã, huyện) thì việc xây dựng mạng lưới nhân viên y tế thôn bản được ngành y tế và chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm. Bác sĩ Nguyễn Trung Khải, Giám đốc Trung tâm y tế Mộc Châu khẳng định: Nhân viên y tế thôn bản ở Mộc Châu đóng vai trò rất quan trọng. Ðây là cánh tay nối dài của y tế cơ sở, họ sống cùng với người dân bản mình nên nhanh chóng nắm bắt được tình hình dịch bệnh của người dân trên địa bàn.

Hôm chúng tôi đến Trung tâm Y tế Mộc Châu, tại đây đang tổ chức lễ khai giảng lớp đào tạo nhân viên y tế thôn bản khóa ba. Sau hơn mười năm, bây giờ tại Mộc Châu mới có điều kiện tổ chức một khóa đào tạo nhân viên y tế thôn bản. Toàn bộ chi phí đào tạo, từ bồi dưỡng giảng viên đến nuôi ăn các học viên đều do Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia hỗ trợ. PGS, TS Ðỗ Sĩ Hiển, Chủ nhiệm Chương trình đánh giá: Việc hỗ trợ này nhằm giúp Mộc Châu phủ kín nhân viên y tế thôn bản trong toàn huyện. Có cán bộ thì trẻ em các bản sẽ được tiêm đầy đủ hơn các loại vắc-xin phòng bệnh. Lớp học này sẽ là một kỷ niệm khó quên với Giàng Chống Khoa, nhà ở bản Lũng Mũ, xã Tân Hợp. Khó quên, vì anh là người đầu tiên của bản được đi học để về làm nhân viên y tế chăm sóc sức khỏe cho gia đình và những người trong bản. Nhưng, ngay trước ngày xuống huyện nhập học, bố Khoa đột ngột qua đời, anh phải ở nhà lo đám tang cho bố. Mất mát đó không làm thay đổi khát vọng được đi học để trở thành cán bộ y tế của Khoa. Ngay trong đêm bố mất, Khoa đi bộ hơn 10 km về xã nhờ lãnh đạo xã xin cho đi học muộn một hôm. Ðồng chí Mùi Thanh Hải, Bí thư Ðảng ủy xã Tân Hợp nhận xét: Mong muốn được đi học kiến thức về chăm sóc sức khỏe của Khoa là rất lớn. Chính vì vậy, tôi trực tiếp đón và đưa em xuống đây để vào học.

Từ thị trấn Mộc Châu, men theo các triền núi hơn 20 km chúng tôi đến bản Pa Khen I. Khí hậu và thổ nhưỡng ở đây thật lý tưởng cho việc trồng, cấy của người dân. Anh Hoàng A Súa, Trưởng bản thông báo: Ở đây nhà nào cũng trồng ngô, trung bình thu nhập từ ngô khoảng vài chục triệu đồng/ năm, có gia đình trồng nhiều thì thu nhập hơn một trăm triệu đồng/ năm. Ngoài ra, thu nhập của các gia đình còn từ mận, dong riềng nữa. Kinh tế phát triển, cho nên ý thức của người dân trong việc chăm sóc sức khỏe cũng được nâng cao. Mùa Sồng Páo, nhân viên y tế bản cho biết: Bà con có được ý thức chăm sóc sức khỏe như vậy là nhờ cả một quá trình tuyên truyền, vận động của cán bộ y tế. Páo tâm sự: Lúc đầu mọi người không chịu nghe hoặc nghe nhưng không làm theo. Anh kiên trì đến từng nhà hoặc cùng Trưởng bản, Trưởng dòng họ động viên nhắc nhở mọi người thực hiện tốt việc vệ sinh phòng bệnh, đưa trẻ đi tiêm phòng... Páo đến từng nhà có trẻ nhỏ vận động, giải thích: "Nương rẫy làm cả năm không bao giờ hết, mà tiêm phòng bệnh chỉ có một ngày, nên phải đưa lũ trẻ đi tiêm để phòng cái bệnh". Bây giờ, tất cả mọi người đều nghe và làm theo những gì anh Páo nói.

Tuy nhiên, đây mới là kết quả bước đầu. Ðể phát triển mạng lưới y tế cơ sở các tỉnh miền núi nói chung và Sơn La nói riêng, còn rất nhiều việc phải làm. Bên cạnh việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang, thiết bị thì việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ y tế cũng hết sức cần thiết. Mặt khác cũng cần có cơ chế, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ y tế công tác ở vùng khó khăn và tăng phụ cấp cho đội ngũ nhân viên y tế thôn bản... Có như vậy, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân mới đạt được hiệu quả cao.

TRUNG HIẾU