Thòng cổ vào dây để chữa bệnh xương
Các Website khác - 16/01/2006
Bệnh nhân nằm xếp hàng chờ phết thuốc (Tuổi Trẻ).

Người đến chữa bệnh xương ở ông lang Thọ (Phù Lưu Tế, Mỹ Đức, Hà Tây) sợ chết khiếp vì cách điều trị quá "độc": sau khi bôi thuốc, phải tròng cổ vào một sợ dây có ròng rọc kéo lên để "chỉnh" xương.

Trong khâu đầu tiên của quy trình điều trị, anh thanh niên "trợ lý" của thày lang Thọ quết một thứ thuốc nước giống như nước gừng mà thày gọi là bí truyền lên lưng bệnh nhân. Lớp nước này được tập trung chủ yếu ở vùng eo, nối hông với lưng. Anh ta rải một nắm lá cúc tần lên lớp nước “bí truyền”, một nắm cơm nóng được ấp trên cùng. Bệnh nhân sẽ nằm sấp chừng 20 phút cho thuốc ngấm sâu vào... xương.

Thày Thọ bảo: “Thứ thuốc kia có tác dụng kỳ diệu lắm. Cộng với thuốc sắc hằng ngày nữa thì xương chỉ còn nước... mềm ra mà thôi. Xong đâu đấy, người bệnh trèo lên bàn chỉnh xương hay tròng dây nắn đốt sống cổ thì bài chữa bệnh mới thật sự hiệu nghiệm”.

Ngay cửa ra nhà thày là một chiếc ròng rọc có dây buộc để nâng cổ, một thanh tre bắc ngang để người bệnh đặt chân vào. Mỗi người thòng cổ vào dây đúng 10 phút. Thày Thọ giải thích đây là thiết bị nắn đốt sống cổ, nâng cổ thẳng và đẹp lên, nếu trước đây có đau vùng cổ, chỉ cần nâng đều đặn sẽ “êm như ru”.

Cuối sân là một chiếc bàn rộng chừng 50 cm, dài 2 m, được nối với nhau bằng hai tấm đệm đỏ. Bệnh nhân nằm trên bàn rồi gác hai chân lên chiếc ghế vuông. Trợ lý của thày Thọ kéo từ chiếc máy đặt phía cuối bàn một chiếc dây to bản và quấn vào người bệnh. Nhiều bệnh nhân tưởng sợi dây sẽ giật đùng đùng như các dụng cụ massage thường thấy; nhưng không có chuyển động gì. 15 phút sau, chiếc máy kêu “tít tít”. Bệnh nhân được tháo dây, nhường chỗ cho người khác.

Càng chữa, bệnh càng nặng

Bà Nguyễn Thị Huấn (55 tuổi, đội 8) bị thoái hóa xương chậu đã ba năm, đến tháng 3/2005 bắt đầu tới nhà thày Thọ chữa. Lúc đầu cũng thấy “êm êm”, nhưng hết buổi thứ 11 thì bà Huấn không cất bước nổi. Chồng bà hai lần chạy sang nhờ thày đến nhà thăm bệnh nhưng thày chẳng chịu sang. Bà Huấn trước còn túc tắc đi chợ cho con cháu, nay chỉ quanh quẩn trong nhà mà vẫn phải chống nạng hay dựa ghế mà lê từng bước một.

Sống gần đó là bà Nguyễn Thị Lý (60 tuổi), cũng được thày Thọ chữa bệnh vôi hóa cột sống trong hơn một tháng. Sau khi chữa, bà có vẻ đỡ được một tháng, sau tái phát nặng hơn. Vợ chồng bà bàn nhau đi cắt thuốc bắc trên huyện mà không đỡ, nhưng cũng không dám bước chân sang nhà thày Thọ nữa vì tốn kém vô cùng mà biết đâu bệnh vẫn vậy. Mỗi ngày chữa ở nhà lang Thọ, bà Lý mất 50.000 đồng chưa kể tiền thuốc men. Đấy là còn “ưu tiên” người làng không mất tiền khám.

Ông Đặng Văn Giáp, Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mỹ Đức, cho biết không biết gì về hoạt động chữa bệnh của lang Thọ vì chưa nhận được báo cáo: "Cơ sở hành nghề y dược tư nhân phải trương biển hành nghề thì chúng tôi mới kiểm tra, họ không đăng ký làm sao chúng tôi kiểm tra được.Cái đó là trách nhiệm của ban quản lý hành nghề y dược tư nhân huyện gồm công an, phòng thuế, y tế… Chúng tôi chỉ là một bộ phận nhỏ trong ban đó mà cũng chưa thấy có ý kiến gì, cũng không thấy có phản ảnh hay bức xúc gì của dân cả".

Còn ông Nguyễn Sĩ Bình, Chủ tịch xã Phù Lưu Tế, thì cho biết, ông Thọ trước đây có làm phó chủ tịch xã nên "xuất phát từ tình cảm anh em, chúng tôi cũng chưa bao giờ xuống kiểm tra”. Về việc lang Thọ khoe mình có tài chữa bệnh là nhờ chuyến học nghề hai năm bên Trung Quốc, ông Bình khẳng định là thày lang này không hề đi Trung Quốc.

(Theo Tuổi Trẻ)