Một trong các loại động vật được Đông y dùng làm thuốc bổ là con tằm. Tằm chín có chất bổ như sâm nhung, chữa các chứng suy nhược thần kinh, mệt mỏi, khó ngủ, chậm tiêu, di mộng tinh, trẻ em chậm lớn, phụ nữ ít sữa.
Bạn có thể tự bào chế “thuốc bổ con tằm” để dùng: Tằm chín 200 g, lá dâu 500 g, vừng đen 300 g, mật ong lượng vừa đủ. Chọn tằm đã nhả được ít sợi tơ, có màu vàng óng (loại bỏ những con có vết đen trên mình). Cho tằm vào nước sôi, khuấy mạnh cho đến khi tằm chuyển sang màu trắng ngà. Vớt ra, để ráo nước. Sấy hoặc rang nhỏ lửa (ở nhiệt độ chừng 50 độ C), đảo luôn cho tằm khô đều và không bị cháy. Khi thấy da tằm săn lại, cho lửa to hơn (độ 80 độ C), đảo đến lúc tằm có màu vàng nâu bóng, mùi thơm là được. Chờ tằm nguội, ngâm nước gừng trong 1-2 giờ với tỷ lệ một phần gừng hai phần nước để làm mất mùi tanh của tằm, vớt tằm ra, sao vàng đến khi tằm thật khô, bẻ gãy được. Tán nhỏ, rây bột mịn.
Lấy lá dâu bánh tẻ, loại bỏ lá sâu, lá úa, rửa sạch, phơi khô trong râm hoặc nắng nhẹ. Vò bỏ cuống và gân lá. Vừng đen đem sẩy sạch hạt lép và rác, phơi khô, sao thơm. Tán lá dâu với vừng đen, rây thành bột mịn. Trộn lẫn bột tằm với bột vừng và lá dâu. Thêm dần mật ong, giã nhuyễn, trộn đều đến lúc khối bột không bị dính tay là được. Làm thành viên độ 1 g. Thuốc có màu đen, hơi mềm, mùi thơm, vị ngọt mặn. Đựng thuốc trong lọ sạch, kín, để nơi khô ráo, dùng dần. Ngày uống hai lần, người lớn mỗi lần 10-20 g, trẻ em tùy tuổi 5-10 g, sau mỗi bữa ăn. Dùng liền trong một tháng.
Hải sâm (sâm biển)
Là một hải sản quý của Việt Nam. Thịt hải sâm chứa 21,5% protid, và giàu canxi, phốt pho, sắt, các vitamin B1, B2, B12, C. Hàm lượng của những chất này đều cao hơn so với cá biển và một vài loại hải sản khác.
Do rất giàu chất dinh dưỡng và tác dụng không kém vị nhân sâm, nên người ta coi thịt hải sâm là “nhân sâm ở biển”. Nó có tác dụng bổ thận âm, tráng dương, ích tinh, chữa cơ thể gầy yếu, thần kinh suy nhược, ho, viêm phế quản.
Loại hải sâm đen, có thịt quánh dính là loại tốt, được dùng dưới dạng nướng giòn, tán thành bột. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 6-10 g với nước ấm hoặc rượu. Hiện nay, trên thị trường dược phẩm còn có viên nang hải sâm. Viện Công nghệ sinh học thuộc Trung tâm Khoa học kỹ thuật công nghệ quốc gia đã nghiên cứu và bào chế dạng rượu ngâm lấy tên là “Rượu hải sâm - tam xà” gồm hải sâm và 3 loại rắn hổ mang, cạp nong hay cạp nia và rắn ráo để làm thuốc bổ, mạnh gân xương. Nhân dân lại thường dùng hải sâm dưới dạng món ăn - vị thuốc như canh, cháo xào nấu với một số vị thuốc khác để tẩm bổ, hạ huyết áp.
Huyết lình
Đây là thuốc quý của đồng bào miền núi, là máu của con khỉ cái chảy ra sau khi đẻ. Ở vùng núi, vào mùa khỉ đẻ (tháng 6-7), người ta đến những mỏm đá là nơi khỉ hay ngồi sau khi đẻ, cạo lấy những mảng huyết đọng lại đã khô đen. Đem về, bẻ thành miếng nhỏ, loại bỏ tạp chất, rác rưởi, phơi nắng hoặc sấy khô rồi cho vào lọ sạch, để nơi khô ráo. Khi dùng mới tán bột. Ở một số vùng như Hà Giang, Hòa Bình, Lai Châu, huyết lình thường được bày bán tại các chợ dưới dạng những cục nhỏ bằng đầu ngón tay.
Huyết lình đã chế biến có màu đen nâu như bã cà phê, có vị mặn, mùi tanh, tính bình, không độc, được dùng làm thuốc bổ máu cho phụ nữ sau khi đẻ, những người xanh xao, gầy yếu, mới ốm dậy, thiếu máu, trẻ em gầy còm, chậm lớn, biếng ăn. Liều dùng hằng ngày: Người lớn uống 3-5 g chiêu với nước ấm hoặc ngâm rượu uống. Trẻ em: 1-2 g ăn với cháo nóng vào buổi sáng. Dùng liền 5-7 ngày. Muốn khử bớt mùi tanh của huyết lình, dùng thêm ít gừng giã nhỏ.
Miết giáp và quy bản
Miết giáp là mai con ba ba, quy bản là yếm con rùa. Rùa và ba ba thường sống ở các ao, hồ, sông, ngòi. Rùa còn sống cả trên núi gọi là rùa núi (sơn quy).
Miết giáp và quy bản được chế biến theo cách sau: Đập chết ba ba hoặc rùa, bóc sống lấy mai và yếm. Cạo hết thịt, rửa sạch, phơi hoặc sấy khô rồi tẩm với giấm, nướng vàng, tán bột dùng dần. Mai, yếm lấy từ ba ba, rùa đã luộc chín không tốt bằng bóc sống.
Ngâm mai ba ba hoặc yếm rùa vào nước đun sôi (có nơi người ta ngâm vào nước tro bếp) trong một đêm. Lấy ra, cạo sạch gân, thịt. Tẩy bằng rượu. Đập nhỏ, nấu với nước 3 lần lấy nước cốt rồi cô thành cao đặc. Đóng bánh, cắt mỏng.
Miết giáp và quy bản là những vị thuốc được dùng phổ biến trong y học cổ truyền và kinh nghiệm dân gian với tính chất mặn, hàn, không độc, có tác dụng bổ dưỡng cơ thể chữa suy nhược, lao lực quá độ, mỏi mệt, nóng trong, ho lao, ho lâu ngày, thận kém, chân tay đau nhức, trẻ em yếu xương, chậm lớn. Ngày uống 10-20 g bột hoặc 6-10 g cao, chia làm 2-3 lần. Dùng riêng hoặc phối hợp với nhiều vị thuốc khác. Người có máu hàn, hay bị tiêu chảy không nên dùng.
DS Hữu Bảo (Sức Khỏe & Đời Sống)
▪ Thuốc xịt ngừa thai (10/07/2005)
▪ Cơn khóc co thắt ruột ở trẻ sơ sinh (09/07/2005)
▪ Ăn để tránh stress (09/07/2005)
▪ Kháng sinh có chữa được viêm xoang? (09/07/2005)
▪ Cây trúc đào (09/07/2005)
▪ Ho và khó thở (10/07/2005)
▪ Những yếu tố ảnh hưởng đến tinh trùng (10/07/2005)
▪ TP HCM chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm (09/07/2005)
▪ Chứng gầy bệnh lý (09/07/2005)
▪ Một số bệnh lý đặc thù của nam giới (09/07/2005)