Thuốc chữa táo bón
Các Website khác - 06/10/2005

Táo bón tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng trong nhiều trường hợp, nó là triệu chứng của một bệnh lý nào đó. Việc điều trị cần tác động vào gốc bệnh. Tuy nhiên, một số loại thuốc có thể làm giảm nhẹ triệu chứng, giúp bạn dễ chịu hơn.

Táo bón có 2 dạng: cấp tính (diễn ra trong thời gian ngắn) và kinh niên (diễn ra từ từ và kéo dài tháng này qua tháng khác).

Táo bón kinh niên là triệu chứng của các bệnh như suy giáp trạng, lượng canxi trong máu tăng cao, Parkinson… Người bị chứng ruột già co thắt yếu thường bị táo bón nặng, có khi phân nghẹt cứng phải mổ. Nếu không có bệnh gì thì nguyên nhân gây táo bón kinh niên thường là do ít hoạt động thể lực, ăn uống ít rau quả nên cơ thể nhận được ít chất xơ.

Táo bón cấp tính thường do chế độ ăn uống thay đổi đột ngột, thiếu chất xơ (ăn ít rau quả) hoặc bị bệnh phải nằm lâu ngày không hoạt động. Cũng có thể do nghẹt ruột vì một lý do nào đó, hoặc do chấn thương thần kinh hay tủy sống.

Dùng lâu dài một số loại thuốc uống cũng có thể là nguyên nhân sinh táo bón, chẳng hạn như thuốc bổ máu có chất sắt, thuốc điều trị bao tử chống acid có chứa nhôm...

Nếu táo bón là triệu chứng của một căn bệnh nào đó thì phải điều trị tận gốc. Còn nếu là táo bón thông thường, bác sĩ sẽ chỉ dẫn bệnh nhân cách phòng ngừa và điều trị, chủ yếu là năng vận động thể lực, tăng cường rau quả trong chế độ ăn để cơ thể được cung cấp nhiều chất xơ, trường hợp thật cần thiết mới dùng thuốc. Thuốc trị táo bón (nhuận tràng) có nhiều loại:

Loại làm tăng thể tích phân: Thể tích của chất bã trong ruột tăng lên sẽ kích thích ruột co bóp mạnh. Phân trương lên sẽ mềm hơn và đi xuôi theo ruột già một cách dễ dàng và nhanh chóng. Đây là loại thuốc có tác dụng từ từ, nhẹ nhàng và an toàn nhất, có thể dùng lâu ngày mà không gây hại gì. Điều cần lưu ý là phải uống nhiều nước, lúc đầu chỉ cần uống ít, sau đó tăng lên từ từ. Loại thuốc làm tăng thể tích bao gồm những thuốc như Metamucil, Perdiem Fiber, Unifiber...

Thuốc làm mềm phân: Như những thuốc có docusate (thí dụ Colace). Về mặt vật lý, những thuốc này làm giảm sức căng mặt ngoài của phân, làm nước trong ruột ngấm vào dễ hơn, do đó phân mềm và trương lên (giống như loại trên) và dễ bài tiết hơn.

Dầu khoáng (mineral oil): Cũng có tác dụng làm mềm phân, tuy nhiên nó làm những sinh tố thuộc nhóm hòa tan trong chất béo (như sinh tố A, D) khó hấp thu qua niêm mạc ruột vào cơ thể. Ngoài ra, dầu thường rỉ ra ở hậu môn, có thể gây khó chịu.

Loại thuốc tăng thẩm thấu: Là thuốc trị táo bón mạnh, thường dùng làm thuốc xổ. Những thuốc này có tác dụng thẩm thấu (osmosis), hút nước từ cơ thể vào bên trong ruột làm phân lỏng ra. Nước tụ nhiều trong ruột cũng làm căng ruột già, kích thích sự co bóp của ruột. Những thuốc như Phospho Soda, Sorbitol cũng là những thuốc xổ có sulfat, magiê... thuộc nhóm này. Khi dùng những thuốc tăng thẩm thấu, nên cẩn thận. Thuốc chứa natri có thể ảnh hưởng xấu cho người bị cao huyết áp hoặc mắc bệnh thận, bệnh tim vì làm ứ nước trong cơ thể. Nếu thuốc có magiê hay phốt phát thì người bệnh thận phải đề phòng.

Thuốc kích thích trực tiếp vào thành ruột già: Làm tăng sự co bóp và đẩy phân đi nhanh hơn. Đó là những thuốc như Semokot, dầu cascara, dầu castor, thuốc Dulco lax. Những thuốc này có thể làm bụng quặn đau, dùng lâu ngày sẽ gây hại cho ruột và dẫn đến tình trạng nhờn thuốc, khiến ruột “lười biếng” không chịu làm việc.

(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)