Thuốc corticoid - con dao hai lưỡi
Các Website khác - 09/06/2005

Việc tìm ra loại thuốc này được coi là bước ngoặt của công nghiệp dược. Corticoid có mặt trong phác đồ điều trị rất nhiều bệnh khó chữa như viêm khớp, hen, dị ứng... Do hiệu quả cao nên nó hay bị lạm dụng và gây nhiều tai biến nghiêm trọng.

Có thể nói ngoài kháng sinh thì corticoid (còn gọi là corticosteroid) là thuốc thiết yếu nhất dùng điều trị và phòng ngừa nhiều bệnh hiểm nghèo. Nó được tổng hợp ở vỏ tuyến thượng thận. Hydrocortison là corticoid chính có tác dụng chủ yếu với sự trao đổi hydrat carbon. Người ta đã làm thí nghiệm và nhận thấy nếu cắt bỏ tuyến thượng thận của súc vật thì chúng sẽ chết, nhưng nếu sau khi cắt vẫn liên tục cung cấp các corticoid chính thì chúng duy trì được sự sống.

Các thuốc corticoid ngày càng được cải tiến và có nhiều dạng bào chế mới. Việc sử dụng quá dễ dãi một số chế phẩm (nhất là các dạng thuốc uống và kem bôi) đã dẫn đến tình trạng lạm dụng thuốc đáng báo động trong cộng đồng và bệnh viện; gây những tác hại trầm trọng, không hồi phục. Thậm chí đã có trường hợp tử vong do dùng corticoid không đúng chỉ định. Còn các trường hợp bị tai biến da, đục thủy tinh thể gây mù thì không thể đếm hết.

Trước đây, người ta coi việc tổng hợp được cortison acetat là một bước ngoặt của ngành công nghiệp dược. Cortison có những tác dụng hữu ích như kháng viêm, chống dị ứng, chống mẫn cảm, chống choáng và chống ngộ độc; ức chế miễn dịch. Chế phẩm hay dùng là cortison acetat dạng uống và hydocortison dạng thuốc mỡ để bôi, hỗn dịch hydocortison để tiêm bắp. Sau đó, trước yêu cầu điều trị các bệnh cấp tính, người ta đã bào chế hydocortison hemisucinat dưới dạng muối natri dùng trộn với dung dịch muối đẳng trương để tiêm tĩnh mạch chậm.

Từ những năm 1950, việc sử dụng rộng rãi cortison và hydrocortison đã mang lại hiệu quả điều trị to lớn. Nhưng qua quá trình sử dụng, người ta cũng nhận thấy các thuốc này có một số nhược điểm sau:

Chỉ có tác dụng điều trị triệu chứng chứ không làm mất căn nguyên bệnh. Do vậy, khi ngưng thuốc thì bệnh trở lại như cũ.

Nếu dùng thuốc lâu dài sẽ rất nguy hiểm vì có thể gây giãn tim. Vì vậy, không được dùng corticoid cho các bệnh nhân cao huyết áp, lao, đái tháo đường, thiểu năng tim và thận...

Dùng corticoid có thể gây chảy máu đường tiêu hóa, làm viêm loét dạ dày - tá tràng.

Vì vậy, các nhà nghiên cứu đã tập trung cải tiến công thức của cortison bằng cách tạo ra các thuốc mới có tác dụng tốt hơn, mạnh hơn và ít gây phản ứng phụ cho người dùng.

Các corticoid được ví như con dao hai lưỡi mà lưỡi nào cũng sắc. Đây là nhóm thuốc rất hay được sử dụng, không những ở bệnh viện mà cả ở cộng đồng. Có loại thuốc đã “bình dân” hóa với những tên gọi như “viên hạt mướp” (để chỉ viên Dexa-methason). Một số dạng bào chế dễ sử dụng như thuốc uống, thuốc bôi đã bị lạm dụng để điều trị với cả một số bệnh không nên dùng.

Ở các bệnh viện, dạng corticoid bị lạm dụng nhiều nhất là thuốc uống (trên 50% số lần dùng). Đây cũng là dạng gây tai biến với tỷ lệ cao do dùng thuốc bất hợp lý, làm bệnh nhân bị hội chứng cushing (mặt tròn như mặt trăng), đau loét vùng thượng vị, dạ dày. Thậm chí một số bệnh viện còn phối hợp thuốc corticoid với các thuốc không steroid khác, làm tăng nguy cơ chảy máu đường tiêu hóa.

Các thuốc corticoid đường tiêm thường chỉ dùng trong những trường hợp bệnh nặng hoặc các ca cấp cứu. Ngay cả khi dùng đường tiêm, khả năng gây phản ứng có hại đến dạ dày - ruột vẫn rất cao vì thuốc đi vào máu và ức chế prostaglandin, một chất có tác dụng bảo vệ niêm mạc đường tiêu hóa.

Hiện nay, loại thuốc khí dung corticoid còn ít được sử dụng vì giá rất đắt. Những bệnh nhân có điều kiện sử dụng thuốc này cần chú ý súc miệng sạch sau khi phun thuốc vào họng để tránh nấm miệng. Khi dùng corticoid đường uống, cần tuân thủ quy trình điều trị để hạn chế các phản ứng có hại của thuốc. Ví dụ, Prednisolon phải uống sau khi ăn, uống thuốc với nhiều nước và không dùng kéo dài.

(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)